+
Aa
-
like
comment

Núp bóng đóng góp ý kiến xây dựng Luật để tấn công chống phá

Bảo An - 18/11/2020 17:44

Thời gian gần đây, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra trên diễn đàn nghị trường để có thể đưa ra được những ý kiến đánh giá khách quan nhất, chính xác nhất trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, một số đối tượng cơ hội lại tiến hành xuyên tạc, bẻ lái thông tin theo hướng tiêu cực, thậm chí là vu khống, bôi nhọ cơ quan tham mưu nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối.

Xây dựng pháp luật là tiền đề, cơ sở để củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Theo kế hoạch, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng Luật lượng lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là một dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến vấn đề an ninh, trật tự. Chính vì vậy, công tác xây dựng Luật phải tiến hành một cách khách quan, cẩn trọng, kĩ lưỡng.

Đóng góp ý kiến: phải có tâm, có tầm, vì đất nước

Thời gian vừa qua, không khó để chúng ta nhận thấy sự xuất hiện của một số cá nhân, hội nhóm cơ hội chính trị. Những đối tượng này lợi dụng những vụ, việc nóng, được xã hội và dư luận chú ý quan tâm để tiến hành xuyên tạc thông tin.

Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến một số biểu hiện của trào lưu “dân túy” đang có dấu hiệu nảy nở, phát sinh trong nghị trường. Dưới danh nghĩa đóng góp ý kiến, một số cá nhân đã đưa ra những thông tin lệch lạc, thiếu căn cứ, mang tính nhận định chủ quan cá nhân, phiến diện. Những người này đưa ra các đánh giá, số liệu “giật gân”, những lời hứa hẹn hoa mỹ, những ý kiến tưởng chừng như tâm huyết nhưng thực tế chỉ là những hứa hẹn suông, nói không đi đôi với làm để đánh lừa niềm tin của người dân.
Trong quá trình đóng góp ý kiến xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chúng ta cũng đang được chứng kiến một số biểu hiện tréo ngoe như trên.

Một số ý kiến lan truyền trên mạng cho rằng lực lượng công an hiện nay là quá đông, vì vậy không cần có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Một số khác lại đặt ra câu hỏi: vì sao lực lượng công an đông nhưng tình hình tội phạm vẫn tăng để từ đó hạ bệ đóng góp của lực lượng công an đối với sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, có ý kiến lại cho rằng lực lượng công an tham mưu xây dựng dự án Luật trên là để có thêm lợi ích. Thậm chí, nhiều ý kiến, quan điểm xuyên tạc, “ăn theo” vụ việc đã được đưa ra như: “Tại sao công an ngày càng đông nhung nhúc nhưng tội phạm cũng ngày càng nhiều lên, không bao giờ giảm? Đây là hệ quả từ sự “cộng sinh” giữa công an và tội phạm, giữa xã hội đỏ và xã hội đen”, “khi tội phạm tăng, công an sẽ có cớ để tăng quân số, tăng lực lượng”…

Rõ ràng, những quan điểm, ý kiến như trên đã không còn đơn thuần là ý kiến đóng góp mà nó là một thủ đoạn chính trị để xuyên tạc, chống phá lực lượng công an.

Tránh sập bẫy các đối tượng chống phá

Nói về việc xây dựng pháp luật, cần phải hiểu rõ đây là việc xây dựng hành lang pháp lý để tạo tiền đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền, không phải là việc xây dựng pháp luật để phục vụ “quyền anh, quyền tôi” như một số cá nhân đang rêu rao. Trong quá trình dự thảo các dự án luật, sẽ có những ý kiến trái chiều được đưa ra để nhằm làm rõ chân lý của vấn đề, đảm bảo khi Luật được đưa ra sẽ có hiệu quả, điều chỉnh tốt các quan hệ xã hội, tránh tình trạng Luật được đưa ra nhưng nhiều “sạn”, không phù hợp.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng chống đối đang chĩa mũi nhọn tấn công vào lực lượng công an nhân dân. Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau cả công khai lẫn không công khai, các đối tượng này liên tục chống phá, xuyên tạc bản chất, tiến hành hạ bệ nhằm làm giảm uy tín của lực lượng công an.
Việc các đối tượng lợi dụng những ý kiến trái chiều trong xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để xuyên tạc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ như một số luận điệu được nêu ra ở trên là một thủ đoạn tấn công nguy hiểm. Lực lượng công an nhân dân là lực lượng có chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm; phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, lực lượng công an luôn là đối tượng được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cũng như các đối tượng phạm pháp hình sự chĩa mũi nhọn tấn công. Việc lực lượng công an bị suy yếu, mất uy tín trong quần chúng nhân dân cũng đồng nghĩa với việc các đối tượng xấu có thêm cơ hội, điều kiện để hoạt động.

Đặc biệt, với các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang đang là chiêu bài được tiến hành quyết liệt để tạo điểm hở nhằm tấn công chống phá nền hòa bình, độc lập của đất nước.

Việc đóng góp xây dựng pháp luật là điều cần thiết. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề đóng góp ý kiến để tấn công chống phá, hạ bệ uy tín của một lực lượng là rõ ràng không chỉ dừng lại ở việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do đóng góp ý kiến mà nó là một thủ đoạn chính trị. Mỗi người cần phải hết sức tỉnh táo, không để mắc mưu các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, tự chĩa mũi súng về nền hòa bình, ổn định đang có.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều