+
Aa
-
like
comment

Nước mắt vợ quân nhân Đoàn Kinh tế 337

20/10/2020 16:30

Hôm nay, chị Thiều Thị Phương Nhung tròn 35 tuổi. Thay vì nhận lời chúc sinh nhật, chị đi 250 km từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị nhận thi hài chồng.

Chồng chị, thượng úy Trần Quốc Dũng nằm trong số 22 quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Quân khu 4, tử nạn trong vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hóa, được đưa về TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chiều 19/10. Trong lán trại đặt phía ngoài cổng Nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà, chị Nhung cùng 22 gia đình cán bộ, chiến sĩ đang chờ đợi được vào nhận mặt người thân.

Đơn vị anh đóng quân ở phía tây Trường Sơn, chuyên làm nhiệm vụ tại 5 xã biên giới huyện Hướng Hóa, trong đó có cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. 21h30 đêm 17/10, chị gọi cho anh: “Anh có khỏe không? Trong nớ mưa bão răng rồi? Đi lại nhớ cẩn thận”. Sau ba câu ngắn ngủi, chị giục anh đi ngủ sớm, vì biết cả ngày đơn vị đi giúp dân chạy lũ.

Ba tiếng sau cuộc gọi ấy, một nửa quả núi sạt xuống, vùi lấp thượng úy Trần Quốc Dũng cùng 21 đồng đội, rạng sáng 18/10. Nghe tin tai nạn, chị Nhung nóng ruột gọi cho chồng, nhưng thuê bao không liên lạc được. Chị lần lượt gọi anh Thu, anh Trà, anh Toàn, anh Thiện, những đồng đội thân thiết của anh Dũng mà chị biết mặt, nhưng không ai nghe máy. “Gần trưa, chị thấy danh sách nạn nhân có tên cả năm anh. Thế là mấy anh gọi nhau đi cả rồi”, chị Nhung òa khóc.

Ngày hôm nay, chị Thiều Thị Phương Nhung (bên trái) tròn 35 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngày hôm nay, chị Thiều Thị Phương Nhung (bên trái) tròn 35 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hải

Hôm nay 20/10, cũng là sinh nhật chị tròn 35 tuổi. Đêm trước vụ sạt lở, anh Dũng nhắn tin hẹn thứ hai sẽ gửi tiền về, để vợ thích gì thì mua. Chị nì nèo, nói thêm “Cuối năm anh về phép, cả nhà bốn người nhất định phải chụp chung một tấm ảnh”. Cưới nhau 8 năm, tấm ảnh duy nhất vợ chồng chị Nhung chụp chung là ảnh cưới, vẫn treo đầu giường. Năm nay, nó đã ba lần rơi vỡ, phải thay kính. Đến giờ người vợ tự trách mình “không hiểu điềm báo trước”.

Hai người quen nhau 10 năm trước, khi anh Dũng về Kỳ Anh xây nhà tình nghĩa cho một người mẹ đồng đội, ở đối diện nhà chị Nhung. Hai người hay trò chuyện, yêu nhau một năm rồi cưới. Nhung xác định tâm thế “lấy chồng bộ đội sẽ vất vả, tự mình gánh vác tất cả”.

Thượng úy Dũng đặt tên cho con trai đầu là Nam Phong, con gái út là Nhã Vân. “Gió với mây, anh bảo cái tên đó đẹp”, chị kể, đó là hai thứ anh nhìn thấy nhiều nhất ở đơn vị mỗi buổi sáng mở mắt ra, chứ không phải là vợ con. Số ngày anh ở nhà ít đến nỗi chỉ kịp làm thân với con gái ba tuổi. “Hai năm trước, con gái thấy bố về là chạy trốn, không cho ôm”. Anh phải “hối lộ” bằng cách cho mượn điện thoại, mua váy mới, tối nào cũng gọi video để nhìn mặt nhau, con mới chịu thân.

Xe cứu thương xếp hàng dài trong Nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà, chiều 19/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Xe cứu thương xếp hàng dài trong Nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà, chiều 19/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Chị Nguyễn Thị Giao Linh cả buổi chiều 19/10 vùi mặt vào vai con gái 5 tuổi khóc. Chồng chị, thiếu tá Phạm Ngọc Quyết nằm trong số quân nhân được xe cấp cứu chuyển về TP Đông Hà.

Đêm trước khi xảy ra sự cố, anh Quyết còn nhắn tin dặn vợ “Dưới ba mẹ nước sẽ vô nhà đó em. Vì trên này đang mưa to không nghỉ, hồ thủy điện xả lũ”, và nhắn nhủ thêm “nhắc con đi lại cẩn nhận, nhà nhớ chuyển đồ đạc lên cao cho sớm”. Đến sáng hôm sau, nghe tin dữ về Đoàn 337, chị Linh liên tục gọi cho chồng. Điện thoại vẫn đổ chuông, nhưng không ai nghe máy.

Chị tự trấn an đơn vị xảy ra chuyện, chắc anh đang đi hỗ trợ. 15h28, chị gửi loạt ảnh hai con đang tránh lũ bên nhà ông bà ngoại ở Triệu Phong (Quảng Trị) rồi giục chồng “Anh vào xem tin nhắn đi”. Nhưng hình ảnh con trai, con gái ngồi bên hiên nhà ngập nước lũ, ăn mì tôm sống, thiếu tá Quyết vĩnh viễn không thể xem.

Chị Linh gọi taxi, cùng hai người họ hàng, đi thẳng lên Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nơi đơn vị anh Quyết đóng quân. Hai năm anh chuyển từ Sư đoàn 968 về Đoàn kinh tế 337, chị chưa lên thăm đơn vị của chồng vì anh bảo “Đường xa, gần trăm cây số, đi cho khổ”.

Xe đến gần Sở chỉ huy tiền phương ở Khe Sanh, trời tối mịt, không di chuyển tiếp được nữa. Còn cách nơi anh đóng quân gần 3 km, chị Linh quyết định đi bộ. Trời mưa, chỉ nghe tiếng nước róc rách hai bên sườn núi, chị không dám bật đèn điện thoại, sợ hết pin. Người phụ nữ 40 tuổi cứ lần theo ánh đèn, tiếng động cơ từ máy xúc, máy đào đang hối hả mở đường vào hiện trường vụ tai nạn.

Đến nơi, chị thấy mọi thứ “mù mịt, hỗn loạn”. Chồng nằm trong số nạn nhân đầu tiên được tìm thấy. Chị Linh chỉ được đứng nhìn phía xa, rồi được đưa đi ngay khi thắp hương xong, bởi hiện còn có nguy cơ sạt lở. Người vợ sau đó cũng không nhớ mình đã ở đâu, về thành phố bằng cách nào. “Anh mồ côi từ hồi bằng con bé”, chị chỉ vào con cô gái học mẫu giáo “Bây chừ, con anh cũng mồ côi bố rồi”.

Cuộc trò chuyện cuối cùng của vợ chồng anh Quyết, chị Linh. Ảnh: Nguyễn Đông
Cuộc trò chuyện cuối cùng của vợ chồng anh Quyết, chị Linh. Ảnh: Nguyễn Đông

Tối 19/10, người của huyện đội đưa xuồng vào đón hai con từ nhà ông bà ngoại lên TP Đông Hà. Quê chồng Quảng Trạch (Quảng Bình), quê vợ Triệu Phong (Quảng Trị) đều đang chìm trong nước lũ. Một mình chị Linh sống ở TP Đông Hà. Anh qua đời, chị còn chưa báo được tin cho mấy chú ruột trong quê. Mưa lũ kéo dài, điện thoại không liên lạc được.

Cậu con trai đầu ở nhà, không ra ngoài nhà tang lễ dã chiến với mẹ và em. Chị kể mỗi lần về phép, anh đều đón các con từ nhà ông bà ngoại lên Đông Hà chơi. Rồi hai bố con cuốc đất, trồng rau, bê phân, chăm mảnh vườn cho mẹ. Trong đơn vị rèn quân thế nào, anh Quyết rèn con trai như thế, để con sớm tự lập. Gia đình họ, cũng giống vợ chồng anh Dũng chị Nhung, chỉ quanh quẩn bên nhau ở nhà. Họ hầu như chưa có một chuyến du lịch xa nào.

Đứng chờ vào nhận thi thể con trai Lê Thế Linh, bà Lương Thị Lý khóc thành tiếng, vin vai người thân để không ngã. Hơn chục phụ nữ là người thân, hàng xóm, hai ngày qua cùng chạy đôn chạy đáo với bà Lý. Hết tìm đường lên hiện trường thôn Cợp xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá nhưng bị ngăn lại vì đang sạt lở và cứu hộ, họ lại kéo nhau đến Nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà khi biết tin các thi thể được đưa về đây.

“Tôi chưa nhìn thấy con trai. Không biết trời mưa rét thế này, nó ở trần khi ngủ, có lạnh không”, bà Lý nói, không kịp đưa tay gạt nước mắt.

Bà Lý (áo đỏ) trước nhà tang lễ dã chiến, chiều 19/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Bà Lý (áo đỏ) trước nhà tang lễ dã chiến, chiều 19/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Người mẹ 55 tuổi nói như có linh tính, đêm 17/10, Linh gọi video về nhà hơn một tiếng. Hết gặp mẹ đến anh trai, chị dâu, cháu nội. Năm mẹ con ngồi nói chuyện như đang gặp nhau ở nhà. Linh say sưa nói chuyện với cháu, đến khi chị dâu nhắc muộn rồi chú tắt điện thoại để cháu đi ngủ, chàng lính trẻ lại quay sang hỏi thăm mẹ. Bà Lý bị bệnh, không dám nói cho con trai biết. Bởi mỗi lần biết mẹ đau, con trai sẽ dặn dò đủ chuyện, từ uống thuốc đến đi viện khám.

Bà Lý thấy trời mưa mà con trai vẫn ở trần, nên nhắc nhở. Nhưng con bảo “Con ngủ cả đời cứ ở trần, mang áo ngủ không được”. Đó là lần cuối cùng mẹ con nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại, ở nơi cậu đóng quân cách nhà gần 80 km.

Linh là con trai thứ ba, trong nhà bốn anh em. Học ngang lớp 10, cậu về nói với mẹ “Con học không vào nữa, cho con đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình”. Bà Lý không chịu, nhưng sau ba lần thuyết phục và dắt con vào lại lớp, bà đành chịu thua. Linh nói “ba mẹ đâu có nuôi cả đời được”. Cậu làm đủ nghề, rồi trúng nghĩa vụ với lời hứa “con đi lính về sẽ học nghề, có tấm bằng để đi Hàn Quốc xuất khẩu 3 năm, theo chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ”.

Người mẹ biết tin con trai bị đất đá vùi lấp lúc 7h ngày 18/10. “Số mạng con chừng nớ rồi, chừ mẹ biết mần răng đây”, giọng bà đứt quãng trong tiếng nấc. Bà Lý bảo, Quảng Trị là vùng đất lửa. Trong chiến tranh, hàng chục nghìn thanh niên đã ngã xuống giữa mưa bom, bão đạn. Ai ngờ thời bình, con trai bà cùng đồng đội lại nằm xuống giữa đất đá thiên tai.

Những người vợ bộ đội như chị Linh, chị Nhung chỉ ao ước “Không cần anh ấy sáng đi tối về với vợ con, một năm gặp một lần cũng được, chứ đừng đi mãi không nói năng chi”. Điều chị Nhung mong ước nhất, là có một tấm ảnh gia đình đủ mặt bốn người, dù chỉ là ảnh ghép.

22 quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 được tổ chức tang lễ chung theo nghi thức quân đội vào ngày 22/10. Tang lễ do Bộ tư lệnh Quân khu 4 chủ trì, lễ viếng từ 7h đến 10h tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị. Lễ truy điệu và di quan từ 10h đến 11h. Lễ an táng được tổ chức ngay sau đó tại các nghĩa trang liệt sĩ hoặc theo nguyện vọng từng gia đình.

Hoàng Phương – Nguyễn Đông/VNE

Từ khóa:
Bài mới
Đọc nhiều