Nực cười sự “không kỳ vọng” của các nhà “dân chủ”
Mới đây, tại kỳ họp 11 – kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước; ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Rất nhiều kỳ vọng được các đại biểu Quốc hội gửi gắm đến 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những luận điệu chỉ trích, xuyên tạc bộ máy nhân sự cấp cao từ nhiều nhà “dân chủ” dưới sự giật dây của các tổ chức, đối tượng lưu vong ở nước ngoài.
Nực cười sự “không kỳ vọng” của các nhà “dân chủ”
Khi vấn đề nhân sự được kiện toàn, trong khi nhân dân kỳ vọng, báo đài nước ngoài cũng nhận đội ngũ cán bộ Việt Nam có tâm và tầm, thì đâu đó vẫn còn những luận điệu chống phá. Chẳng hạn như trên trang mạng xã hội của tổ chức Việt Tân mới đăng bài viết với tiêu đề “Mình không kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo mới” của đối tượng Trần Thị Sánh.
Không kỳ vọng vào bộ máy Chính phủ mới, bà Trần Thị Sánh đưa ra lý do là vì bà ta “hiểu rõ và đã từng làm việc với mấy ông bà này từ thời ở doanh nghiệp như Sông Đà, Xi măng, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Chính rồi đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Tài năng, trí tuệ, hiểu biết của họ còn hạn chế lắm.”
Bà Sánh đặt vấn đề: “Hóa ra lên Bộ trưởng, lên Phó Thủ tướng, vào Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cũng không khó, không cao siêu như người ta nghĩ. Sao bảo khóa này làm nhân sự cẩn thận, bài bản, kỹ càng, chọn những người thật sự xuất sắc, tiêu biểu lắm cơ mà?”
Ở góc nhìn khác, trang mạng Việt Tân cũng đăng bài “Hàn Lâm hóa nội các Chính phủ” của Nguyen Tuan. Nguyen Tuan rêu rao rằng “sự hàn lâm hoá Chính phủ ở Việt Nam ngày nay đã manh nha từ hơn 10 năm trước, và nó xuất phát từ cách hiểu lệch lạc về văn bằng tiến sĩ.”
“Nội các Chính phủ Phạm Minh Chính có một điểm nổi bật nhất là trình độ học vấn rất cao, cao hơn các bộ trưởng trong chính phủ Úc và Mỹ. Có 14 người có bằng tiến sĩ, tức chiếm 50% tổng số thành viên trong nội các, trong số này, 11 là người miền Bắc. Con số này rất cao nếu so sánh với Úc, nơi không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ, hay so sánh với Mỹ, nơi chỉ có 4 người có bằng tiến sĩ” – Nguyen Tuan rêu rao.
Trong luồng ảo tưởng bất mãn chính trị ấy, một số nhà “dân chủ” cũng đu theo khi cho rằng: “Ở các nước đa đảng, nếu đảng này trong nhiệm kỳ làm không tốt thì dân chọn đảng khác lên. Vì vậy những đảng lớn muốn lên lãnh đạo nhân dân và đất nước họ phải cố gắng hơn. Còn độc tài, độc đảng có nghĩa ‘tao làm theo tao thích, dân đen chúng bay làm được gì nào?’ “Khi nào đất nước tôi mới thức tỉnh?”
Kỳ thực, nhân dân Việt Nam đang rất tỉnh và những luận điệu như của Trần Thị Sánh, Nguyen Tuan thì lại mập mờ, kém hiểu biết, mang tính chất xuyên tạc bộ máy Chính phủ mới, nhận định chủ quan, một chiều về các nhà lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị. Bởi vì hiện người dân, xã hội đang trông đợi và cũng đặt ra nhiều kỳ vọng vào những người đứng đầu.
Nhân dân kỳ vọng
Đúng là, có nhiều ý kiến thắc mắc về công tác nhân sự tại Việt Nam, nhưng vấn đề sâu sắc nhất vẫn là yếu tố con người, vẫn là người lãnh đạo. Ở đâu có con người xuất sắc, đủ tầm nhìn, ở đó họ sẽ lựa chọn đúng cán bộ cần thiết cho từng vị trí, đó là yếu tố cốt lõi để tạo sự thành công.
Thực tế cho thấy, quy trình bổ nhiệm cán bộ, công tác nhân sự chúng ta có nhiều bước nghiêm ngặt, đúng và đủ chuẩn, có tâm và tầm thì mới được cất nhắc bổ nhiệm. Ai cũng phải trải qua một quá trình rèn luyện thử thách về chuyên môn lẫn bản lĩnh, chứ không phải bổ nhiểm “à uôm” như những nhà “dân chủ” nhận định bằng phiếm đàm chống phá.
Tức là, chúng ta có chính sách, có quy chế, có con người, và quan trọng trong bài toán này chính là sắp xếp và tổ chức cán bộ như thế nào cho hợp lý, để phát huy tối đa sức mạnh. Và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định về công tác cán bộ, từ việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh.
Ví như những chức danh cao nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cho đến các chức danh khác đều được cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn chức danh. Hoặc là quy trình công tác cán bộ, chúng ta làm 5 bước rất chặt chẽ, chúng ta có quy định về chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ… Đặc biệt, việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao vừa qua nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về phẩm chất cũng như năng lực công tác của các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, cho rằng cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay ở Việt Nam là tối ưu và hài hòa, một mặt vừa cho phép hiện đại hóa hệ thống chính trị, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới và đưa đất nước tiến lên phía trước, mặt khác vẫn giữ được sự ổn định, giữ lại được những lãnh đạo đã có uy tín rộng rãi và giàu kinh nghiệm trong công tác điều hành Nhà nước.
Chuyên gia Valeria Vershinina thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Moskva đã bày tỏ tin tưởng, với những kinh nghiệm tích lũy được và những thành công trong cải cách kinh tế, cũng như duy trì chính sách đối ngoại cân bằng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và đóng vai trò ngày càng lớn trong các tiến trình toàn cầu và khu vực.
Hay như, báo The Washington Times (phiên bản báo in) của Mỹ có bài viết đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhà nước. Bài viết nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng bộ máy lãnh đạo nhà nước.
“Việt Nam có một bộ máy lãnh đạo có tâm và có tầm. Trước hết phải kể tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, qua đó đã tạo niềm tin cho người dân Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người từng là Thủ tướng Việt Nam trước khi được các đại biểu Quốc hội khóa XIV bầu vào vị trí Chủ tịch nước vào ngày 5/4 vừa qua… Người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Phạm Minh Chính cũng sẽ thực hiện tốt các nội dung đề ra trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”, trích theo The Washington Times.
Quả thật, cốt lõi của công tác cán bộ chính là con người, có tài mà không có đức sẽ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; nếu đặt đúng vai trò vào người có trách nhiệm và giỏi chuyên môn, có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực, thì một người sẽ phát huy, khơi dậy được năng lực quản lý, chuyên môn, sức sáng tạo để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả công việc cao gấp nhiều lần.
Ngay lúc này, nhân dân đang kỳ vọng tân Thủ tướng và Chính phủ mới, cùng những vị trí lãnh đạo khác… sớm nghiên cứu đưa ra những quyết sách mạnh mẽ để cán bộ, công chức lan tỏa tâm thế dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Những sáng kiến mới, cách làm hay, đột phá sẽ được ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ bằng một cơ chế, hành lang, quan điểm rõ ràng, cụ thể.
Từ đó thúc đẩy sự cống hiến, đổi mới, sáng tạo trong bộ máy, đó cũng là cách tốt nhất để đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.