+
Aa
-
like
comment

Nực cười chuyện Việt Tân tiếp tục “kêu oan” cho “ứng viên tự do” Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh

sông trà - 15/05/2021 11:54

Ngày 23/5 tới đây, cử tri ở Việt Nam sẽ thực hiện quyền công dân của mình với việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Vì vậy, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tổ chức rất nhiều hoạt động, phương thức rất tinh vi, thâm độc nhằm phá hoại, gây trở ngại và xuyên tạc tính chất dân chủ của cuộc bầu cử.

2 "ứng viên tự do" Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh
2 “ứng viên tự do” Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh

Thật ra, “tự ứng cử” không phải là chiêu trò mới của các “nhà dân chủ”, mà chỉ là mưu mẹo cũ được áp dụng lại. Tuy nhiên đến lần này, các đối tượng vin vào Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV (số 1185/NQ-UBTVQH), trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 – 50 đại biểu, tương đương từ 5 – 10% cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV) để hô hào nhau làm hồ sơ ứng cử.

“Rút kinh nghiệm” từ cuộc bầu cử khóa trước, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí có kế hoạch chống phá bài bản, dài hơi hơn. Trước thời điểm tổ chức bầu cử nhiều tháng, họ lập nhiều fanpage, tài khoản giả để vẽ ra đủ thứ luận điệu xuyên tạc như “bầu cử chỉ là dân chủ giả hiệu”, “thủ đoạn loại bỏ người tự ứng cử”, “ứng viên cần nhất thân, nhì thế”, “muốn ai thì người đó trúng cử”… Tiếp đến là công kích, xuyên tạc các thông tin về bầu cử, đặc biệt là từ báo chí chính thống, trong đó có báo Nhân dân. Nguyên nhân thực sự là vì các thủ đoạn của các “ứng viên dân chủ” đã bị cơ quan ngôn luận của Đảng “bóc phốt”.

Trước đó, báo Nhân dân từng đăng bài vạch trần những kẻ “tự ứng cử ĐBQH”. Bài báo nhắc tên 2 “ứng viên độc lập” đã bị bắt giữ trước vòng Hiệp thương là Lê Trọng Hùng (Hà Nội) và Trần Quốc Khánh (Ninh Bình).

Gần như ngay lập tức, trang mạng chống phá Việt Tân liền có bài “báo Nhân dân bôi nhọ những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội”. Nội dung bài báo chủ yếu đưa ra các luận điểm công kích tờ báo, bảo vệ các đối tượng dân chủ tự ứng cử như Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh…

Theo đó, đội ngũ Việt Tân cho rằng, báo Nhân dân ngụy biện khi nói việc chính quyền bắt giữ Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh là đúng luật, nhằm giữ vững trật tự xã hội. Việt Tân tiếp tục công kích: “Trong nhiều năm qua các ứng cử viên Quốc hội độc lập luôn là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Bởi lẽ nếu giành chiến thắng, họ có thể là những tiếng nói đối lập chính danh lên án Đảng Cộng sản giữa nghị trường. Trong khi những gì mà chế độ này muốn chỉ là tạo ra một Quốc hội toàn nghị gật và chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị”.

Góc nhìn khác, trước đó, cũng trên trang mạng Việt Tân cũng đăng bài mang tính chất xuyên tạc bầu cử Quốc hội. “Những món đồ dỏm được bảo vệ bằng họng súng” – Đỗ Ngà. Qua đó Đỗ Ngà cho rằng cái gọi là Quốc hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không cần bầu và nên dẹp đi thì tốt hơn. Bởi những gì mà Quốc hội thông qua chỉ là hình thức mà thôi. Một vở kịch vô nghĩa đáng lẽ phải vứt đi, Đảng Cộng sản lại đem công an ra bảo vệ nó.

Một số “nhà dân chủ” thì cũng lộng ngôn khi cho nói, bầu cử gì chứ khi người ra ứng cử toàn người của Đảng. Nói đúng ra là Đảng mượn tay người dân để cài cắm người của mình vào cơ quan lập hiến của cả nước. Đảng Cộng sản cứ hô hào người dân có quyền ứng cử Quốc hội, nhưng một mặt nó đả phá người dân và còn chụp cái mũ phản động phá hoại đất nước Việt Nam.

Thực tiễn có đúng như Việt tân cùng đồng bọn phản ánh, công kích không? Xin thưa là không, bởi vì, để “trang trải” cho quá trình “tự ứng cử”, Lê Trọng Hùng còn lên trang mạng cá nhân kêu gọi ủng hộ 76 triệu đồng để “vận động bầu cử”. Trò hề của y cũng chỉ là xào nấu lại mớ luận điệu lạc lõng như: Xuyên tạc Hiến pháp 2013, đòi xây dựng cái gọi là “nhà nước pháp quyền hợp hiến” (bản chất là học đòi mô hình tam quyền phân lập), cổ súy thành lập các tổ chức chống phá dưới nhãn hiệu “câu lạc bộ công dân”.

Còn “ứng viên tự do” Trần Quốc Khánh thì cũng không có mấy khác biệt với Lê Trọng Hùng. Theo tài liệu từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, từ năm 2018 đến 2020, Trần Quốc Khánh sử dụng Facebook cá nhân để phát trực tiếp (livestream) video bịa đặt, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đáng nói thêm ở chỗ, hỗ trợ cho “ứng viên giả hiệu”, còn có cả một hệ thống sản xuất và lan truyền thông tin xấu độc, ngoài tổ chức khủng bố Việt Tân, còn có sự góp mặt của mấy cái tên quen thuộc như RFA, BBC, VOA, , “nhật ký yêu nước”, “tạp chí luật khoa”…

Nực cười sự “giãy giụa” của các thế lực thù địch về bầu cử

Thực tế trên phần nào cho thấy, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc “thực hiện quyền dân chủ”, thể hiện dưới các hình thức gọi là “bất bạo động”, như: thành lập tổ chức mang danh nghĩa “xã hội dân sự”, hô hào “biểu tình ôn hòa”, gửi thư ngỏ “góp ý, kêu gọi, đòi hỏi”… Gần đây, phong trào ‘tự ứng cử ĐBQH khóa XV’ của một số “nhà dân chủ” cũng nằm trong toan tính đó nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và xã hội.

Vì thế, nhận thức đúng đắn bản chất của chế độ bầu cử ở nước ta, để chẳng những ngày bầu cử sẽ trở thành ngày hội của toàn dân, mà còn là vũ khí tư tưởng để đấu tranh phòng, chống những nhận thức không đúng đắn của một số người và hơn thế nữa là tăng sức đề kháng trước các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch thường diễn ra trước mỗi cuộc bầu cử.

Bởi lẽ, bầu cử là để hợp pháp hóa chính quyền thuộc về nhân dân. Ở nước ta, bầu cử là việc nhân dân lựa chọn, thành lập ra cơ quan đại diện là Quốc hội và HĐND các cấp và ủy thác quyền lực nhà nước của mình cho họ. Như vậy, ý chí của nhân dân thông qua bầu cử là nền tảng của quyền lực nhà nước. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được.

Bầu cử là phương thức quan trọng mang tính nền tảng tạo lập nên cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc của đất nước. Thông qua bầu cử, không những nhân dân chính thức thừa nhận những người đại diện của mình là lực lượng lãnh đạo xã hội mà còn thông qua bầu cử thể hiện sự đa dạng về giai cấp, tầng lớp, dân tộc, địa phương, tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, Quốc hội và HĐND các cấp sau các cuộc bầu cử là hình ảnh thu nhỏ của đất nước và địa phương, cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc của đất nước.

Hơn nữa, bầu cử phản ánh sự quan tâm của nhân dân đối với đời sống chính trị của đất nước và là phương thức thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân lao động. Đồng thời là một phương tiện quan trọng để nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế sự tha hóa của quyền lực nhà nước.

Như vậy, với những căn cứ pháp lý rõ ràng và luận cứ sắc bén về chế độ bầu cử ở Việt Nam chính là vũ khí lý luận, tư tưởng để đấu tranh lại mọi luận điệu xuyên tạc. Có điều, với mục đích và mưu đồ đen tối sẵn có với sự hậu thuẫn về tài chính, vật lực từ các “quỹ hỗ trợ dân chủ”, thời gian tới các hoạt động “đấu tranh giả hiệu” sẽ vẫn còn tiếp tục “giãy giụa”, tái diễn diễn những trò hề dân chủ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, khi kỳ bầu cử đang tới gần, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các mưu đồ, chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, phá hoại sự ổn định và đoàn kết của đất nước, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngày hội bầu cử đang đến rất gần.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều