NỬA THẾ KỶ SAU CHIẾN TRANH: THẾ GIỚI NHÌN VỀ VIỆT NAM
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) đã thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông quốc tế. Từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, hình ảnh đất nước Việt Nam đoàn kết, tự hào và hướng tới tương lai được phản ánh đa chiều trên các mặt báo hàng đầu thế giới.

Góc nhìn châu Á: Tôn vinh sức mạnh đoàn kết khu vực
Tại châu Á, truyền thông đặc biệt chú trọng đến yếu tố đoàn kết khu vực thể hiện qua sự kiện. Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã đăng phóng sự về không khí lễ hội tại TP.HCM với hình ảnh ấn tượng về sân khấu hoành tráng và biển người rực rỡ cờ đỏ sao vàng. South China Morning Post mô tả đây là “sự kiện lớn nhất từng được tổ chức” tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tinh thần hòa hợp thông qua lời chia sẻ của một cựu chiến binh: “Chúng ta nên cùng nhau ăn mừng chiến tranh kết thúc”.
Điểm nhấn đáng chú ý được nhiều hãng thông tấn ghi nhận là sự tham gia lần đầu tiên của 300 binh sĩ từ Trung Quốc, Lào và Campuchia trong cuộc diễu hành, phản ánh mối quan hệ hợp tác bền chặt trong khu vực.
Từ góc nhìn nước láng giềng, Khmer Times (Campuchia) không giấu được sự ngưỡng mộ khi ca ngợi hạ tầng hiện đại của Việt Nam, khẳng định đất nước đang đi đúng hướng phát triển. Trong khi đó, Bangkok Post (Thái Lan) đăng tải những thông tin về không khí hào hùng và đoàn kết trong lễ kỷ niệm.
Phương Tây: Từ hình ảnh chiến tranh đến đổi mới toàn diện
Truyền thông phương Tây tập trung vào sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời phản ánh những góc nhìn đa chiều về sự kiện lịch sử này. AP News (Mỹ) ghi nhận “hàng nghìn người đổ về TP.HCM” theo dõi lễ diễu binh – diễu hành quy mô lớn. Hãng tin này nhấn mạnh: “Các sự kiện kỷ niệm không chỉ tập trung vào quá khứ, mà còn hướng về tương lai”, qua đó trích dẫn lời một người dân Việt Nam: “Bây giờ là lúc cho hòa bình – giấc mơ chung của cả thế giới”.
Reuters (Anh) mô tả lễ kỷ niệm là “sự kiện lịch sử” và khắc họa hình ảnh đối lập giữa hiện tại và quá khứ khi cho rằng “giới trẻ Việt Nam giờ đây tay cầm iPhone, hát nhạc Taylor Swift” – một minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của đất nước sau 50 năm thống nhất. Hãng tin này còn trích dẫn một bức điện tín từ các phóng viên có mặt tại Sài Gòn vào ngày thành phố giải phóng, gọi chiến thắng của Việt Nam là “chiến thắng của niềm tin”.
The Guardian (Anh) đánh giá TP.HCM sau 50 năm là “đô thị sôi động, thu hút du khách quốc tế”, với các công trình cao tầng, chợ và nhà hàng nhộn nhịp – một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Hãng AFP (Pháp) ghi nhận hàng nghìn người dân “mặc áo cờ đỏ sao vàng, chia sẻ đồ ăn, thức trắng đêm” chờ diễu binh – hình ảnh thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc.
Mỹ Latinh và Australia: Ngưỡng mộ sức mạnh và khát vọng vươn lên
Truyền thông khu vực Mỹ Latinh thể hiện sự ngưỡng mộ rõ rệt đối với chiến thắng và thành tựu phát triển của Việt Nam. Prensa Latina và kênh Canal Caribe (Cuba) đặc biệt ấn tượng với hình ảnh cựu chiến binh Trần Văn Thanh 76 tuổi trong bộ quân phục phai màu thời gian, trên chiếc xe máy cũ kỹ cùng lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới suốt hành trình 1.300 km. Canal Caribe ca ngợi chiến thắng 30/4 là bài học lớn về sức mạnh đoàn kết dân tộc và là niềm tự hào của Việt Nam hôm nay.
Nhật báo La Jornada (Mexico) đánh giá cao chiến thắng 30/4/1975 đã giúp Việt Nam thống nhất, giành lại hòa bình và phát triển vượt bậc, thậm chí gọi Việt Nam là “con hổ châu Á mới” – một sự ghi nhận cho vị thế kinh tế đang lên của đất nước.
Từ Australia, ABC News đánh giá buổi lễ diễu binh thể hiện “lòng tự hào dân tộc và sức mạnh quân sự đáng kể của Việt Nam”, phản ánh vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực.
Hướng tới tương lai
Nhiều hãng truyền thông quốc tế đã nhấn mạnh đến khía cạnh hướng tới tương lai trong lễ kỷ niệm. NPR đưa tin về bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm với các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng: tăng trưởng 8% vào năm 2025 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, với động lực từ khu vực tư nhân.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị phức tạp, Al Jazeera nhận định cuộc diễu hành là động thái cân bằng khá tinh tế của Việt Nam, khi sự góp mặt của binh sĩ Trung Quốc đã trấn an Bắc Kinh trong khi vẫn củng cố mối quan hệ lịch sử.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mắt truyền thông quốc tế. Dù nhìn nhận từ góc độ nào, các hãng thông tấn đều công nhận đây là dấu mốc quan trọng, không chỉ nhìn lại quá khứ mà còn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Hạ Băng