+
Aa
-
like
comment

Nông dân Việt Nam: Từ Cách mạng tháng Tám đến sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Diệu Hương - 16/08/2020 18:09

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của dân tộc ta, nó là sự tập trung của nhiều nhân tố có tính quyết định như tận dụng thời cơ, có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính, có sự lãnh đạo của con người kiệt xuất,… nhưng yếu tố quần chúng nhân dân, mà trong đó giai cấp nông dân lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Phát huy vai trò của giai cấp nông dân vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ở thời điểm lịch sử trước năm 1945, đặc biệt là giai đoạn 1939 – 1945, nền kinh tế đất nước chìm đắm trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ của chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến. Người nông dân sống trong cảnh nô lệ, lầm than, tăm tối. Hầu hết người dân mù chữ, cảnh nghèo đói khốn cùng diễn ra triền miên ở khắp nơi. Cao trào của sự cùng cực đói khổ ấy chính là nạn đói khủng khiếp năm 1945 cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người dân Việt.

Chính sự kìm kẹp và đói khổ của ách thực dân phân phong kiến đã càng thổi bùng sức mạnh để làm nên cuộc cách mạng tháng Tám giải phóng áp bức, nô lệ, giành quyền sống, giành quyền làm chủ ruộng đất, làm chủ cuộc đời của những người nông dân.

Sau 75 năm, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, người dân đã có cơm ngon, áo đẹp, ai cũng được học hành. Trong suốt 75 năm, lịch sử đất nước đã trải qua những dấu mốc rất quan trọng và có tác động lớn tới đời sống, tư duy, tình cảm của mọi người Việt Nam, đặc biệt là giai cấp nông dân. Nếu Cách mạng tháng Tám đã giải phòng nông dân khỏi kiếp nô dịch, áp bức, mang lại cho họ quyền làm chủ, trong đó có quyền làm chủ đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng nhất của nghề nông. Thì công cuộc đổi mới được tính chính thức từ năm 1986 có thể được gọi là một sự giải phóng lần 2. Đây là sự giải phóng tư duy làm ăn và sức sáng tạo của con người, từng bước phá bỏ mọi rào cản phi lý giúp cho người nông dân và nhân dân nói chung phát huy mọi năng lực, đạt được những thành tựu ấn tượng trong sản xuất và cải thiện điều kiện sống. Hai cuộc giải phóng này đều nhằm phục vụ một mục đích lớn lao là để mỗi người được sống trong một xã hội thực sự hạnh phúc, dân chủ và thịnh vượng.

Điều đáng nói hơn là ở cả hai dấu mốc quan trọng này, giai cấp nông dân đều giữ vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Trong Cách mạng tháng Tám, nông dân là một lực lượng nòng cốt đóng góp cả xương máu và của cải làm nền chiến thắng. Còn trong giai đoạn tiền đổi mới, chính những mày mò, thử nghiệm cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp là cơ sở thực tiễn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm đổi mới thực sự.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ta xác định có vị trí chiến lược. Nhiều chủ trương, chính sách đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm giúp cho nông dân – những người đã hy sinh nhiều cho đất nước có cuộc sống ấm no hơn, sung túc hơn khi đất nước đi lên.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiên 10 năm qua cũng nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Và trong quá trình này, nông dân lại là lực lượng nòng cốt góp công, góp của cống hiến sáng tạo, xây dựng làng quê mình. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào cán bộ tin dân, sát dân, biết khơi dậy sức mạnh của người dân thì nơi đó, nông thôn mới sớm thành công và thực chất vững bền.

Lật thuyền cũng là dân, đẩy thuyền cũng là dân. Lời dậy của người xưa vẫn luôn đúng và giá trị ở mọi thời đại khi thấy được sức mạnh, tạo dựng được sự đoàn kết trong dân. Ngẫm về ý nghĩa và bài học lịch sử sau 75 năm cách mạng tháng Tám thành công. Hôm hay chúng ta càng thấm thía hơn về sức mạnh, vị thế của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều