+
Aa
-
like
comment

Nỗi lo cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Hạnh Văn - 26/04/2024 08:03

Tháng 5/2023, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn Dự án Kênh đào Funan Techo (còn gọi là Dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac), sau 26 tháng nghiên cứu. Dự án có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD này dài đến hơn 180km và có đến 3 đập đường thủy. Ngay từ khi còn trong giai đoạn nghiên cứu, dự án Funan Techo đã dấy lên hàng loạt những lo ngại về tác động đối với môi trường và hệ sinh thái.

Thiết kế kênh đào Funan Techo.

Sau khi dự án này được Campuchia thông báo chính thức vào tháng 8/2023, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các địa phương, nhà khoa học, tổ chức về sự quan ngại khi Campuchia xây dựng kênh Funan Techo. Và ngày 23/4 vừa qua, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tổ chức họp tham vấn về dự án kênh Funan Techo của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam tham vấn các chuyên gia về dự án kênh đào Funan Techo của Camphuchia.

Nghiên cứu độc lập của PGS – TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, đã chỉ ra rằng báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia (CNMC) chỉ tập trung vào vai trò của kênh Funan Techo như một tuyến đường thủy hoặc đường thông thương thủy. Tuy nhiên, không rõ liệu kênh này có phục vụ cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt hay không, và mức độ khai thác của nó ra sao.

PGS – TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp của Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ.

PGS – TS Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng kênh Funan Techo sẽ tác động đến lưu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua việc kết nối với dòng chính của sông Mekong. Sự giảm lượng nước từ sông Mekong vào ĐBSCL có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm khô hanh. Đồng thời, việc khai thác kênh đào Funan Techo cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và sự đa dạng sinh học của khu vực.

Kênh này sẽ tạo ra một đê chắn ngang qua cánh đồng ngập lụt, dẫn đến giảm lượng nước, phù sa và số lượng cá. Các cơ sở hạ tầng tại vùng Tứ Giác Long Xuyên cũng có thể mất đi tính hiệu quả của chúng. Ngoài ra, kênh Funan Techo sẽ chảy qua một khu vực có khoảng 1,6 triệu dân cư, dự kiến sẽ tăng lên do quá trình đô thị hóa hai bên bờ kênh và sự phát triển của các cơ sở thương mại, dịch vụ hậu cần. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao hơn so với tình trạng hiện tại.

PGS – TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Con kênh này khi mà đào đất sẽ đắp ra hai bên thành đường, thành phố, khu công nghiệp sẽ mọc bên đó, trở thành một con đê chắn ngang qua cánh đồng lũ từ sông Hậu đi. Và khi chắn ngang như vậy thì phía Bắc của con kênh sẽ ngập nhiều hơn và phía Nam con kênh, tức là phía Việt Nam sẽ ít nước, phù sa ít và lượng cá ít hơn.

Tất cả những công trình mình làm ở vùng Tứ Giác Long Xuyên gần như mất tác dụng, mất chức năng hết, những cống đập Tha La, Trà Sư hay những vùng đất ngập nước hay là những đê bao ba vụ hay là những khu dân cư vượt lũ trở thành vô dụng, bởi vì hiện nay không còn lũ lại còn giảm lũ nữa thì mấy cái này không còn ý nghĩa gì nữa”.

Theo ông Phạm Hồ Quốc Tuấn từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy của hạ lưu sông Mekong. Điều này rõ ràng qua việc trong nhiều năm, tại đầu nguồn sông Cửu Long ở Tân Châu và Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, mùa lũ thường có mực nước đỉnh thấp, và mùa khô thì dòng chảy về hạ lưu thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, cùng với sự giảm mạnh của hàm lượng bùn cát lơ lửng (phù sa).

Ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ.

Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng dòng chảy và hàm lượng bùn cát đã và đang giảm, và có xu hướng ngày càng thiếu hụt nhiều hơn, gây ra các vấn đề như sạt lở đất, xói mòn bờ sông và bờ biển, giảm độ phì nhiêu của đất, cũng như giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Về tác động của kênh đào Funan Techo, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn cho rằng, từ Phnom Penh, dòng chảy của sông Mekong đã phân lưu sang sông Bassac, phân chia lượng nước từ thượng nguồn về hạ lưu. Khi kênh đào này được hoạt động, dòng chảy của sông Mekong sẽ tiếp tục phân lưu thêm nước sang sông Bassac, giảm lượng nước dòng chảy của sông Mekong về hạ lưu (sông Tiền).

Theo ông Tuấn, trong những năm qua, dòng chảy của sông Mekong và sông Bassac về hạ lưu đã giảm trong mùa khô. Khi kênh đào này tiếp tục lấy nước, dòng chảy về hạ lưu sẽ tiếp tục giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước trong mùa khô trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc thực hiện dự án này cũng sẽ làm mất đi một phần diện tích lớn của vùng đệm (bao gồm rừng, đất và nước), gây ra biến đổi trong yếu tố khí hậu và thủy văn, có thể làm gia tăng rủi ro từ các hiện tượng thiên tai.

Ông cũng nêu rõ: “Dự án kênh đào Funan Techo trong giai đoạn thực hiện và hoạt động chắc chắn sẽ có tác động đến khu vực hạ lưu sông, vùng biển và mức độ tác động ít hay nhiều cần phải có nghiên cứu khoa học, chuyên sâu, độc lập mang tính quốc tế, từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu các tác động và giải pháp thích ứng để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và vùng hạ lưu ở ĐBSCL”.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông (ORDI) từng nhận định về tác động kinh tế – xã hội của Funan Techo. Theo đó, khi Kênh đào Funan Techo được đưa vào sử dụng, các tuyến hàng quá cảnh qua các cảng thuộc khu vực Bà Rịa Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đi Phnompenh sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên. Điều này chắc chắn đe doạ trực tiếp đến việc quy hoạch các cảng phía Nam Việt Nam thành các cảng trung chuyển quốc tế. Hàng hoá hiện tại về Việt Nam rồi chuyển tải qua Campuchia sẽ giảm đi đáng kể, mà chủ yếu sẽ đi theo đường biển, trực tiếp về Cảng Kambot hoặc Sihanoukville để chuyển tải về Phnompenh và các tỉnh trong nội địa Campuchia.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ nội địa Campuchia cũng theo đường nội địa đi thẳng ra các cảng biển của nước này để đi ra thị trường quốc tế. Phương án trên được cho là sẽ giúp Campuchia không những tiết kiệm lớn về chi phí, mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp của họ. Không những vậy, việc làm vốn đang ở phía Việt Nam sẽ chuyển về Campuchia và các phương tiện vận tải hàng hóa tuyến từ các cảng Việt Nam quá cảnh qua Phnompenh cũng sẽ không còn nhiều việc để làm, các cảng trung chuyển của Việt Nam sẽ trở nên “hoang vắng”.

Nếu không tính toán một cách cẩn thận, việc đầu tư vào hệ thống cảng biển trung chuyển từ Việt Nam sang Campuchia sẽ không hiệu quả và gây thất thoát, lãng phí lớn các nguồn lực. Thậm chí, không tránh khỏi hiện tượng thoái lui đầu tư hay khung cảnh đổ vỡ của các nhà đầu tư trên tuyến vận chuyển này.

Nước và phù sa lâu nay vốn theo dòng Mekong làm trù phú cho vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ không còn nữa. Bởi theo tính toán, thì Kênh đào này sẽ lấy đi hàng trăm triệu m3 nước hàng năm từ sông Mekong để chảy ra biển. Vào những năm 1992, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Kênh đào Kong Chi Mun đã lấy đi khoảng 300m3/giây trong tổng số lưu lượng nước 1600m3/giây vào mùa khô của Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi Kênh Funan Techo hình thành, sẽ làm cho dòng chảy của sông Mekong thay đổi đáng kể. Do nước sẽ chảy theo kênh đào đổ thẳng ra biển mà không còn đưa cả về phía Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, cùng với hiệu ứng biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra sâu hơn, dài hơn và với tính chất ngày càng dữ dội hơn.

Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất là một trong những thiệt hại to lớn nhất. Nước nhiễm mặn không thể sử dụng để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt do nước muối cho tính ăn mòn cao, gây hư hại hệ thống dẫn, chứa nước… Thiếu hụt nước ngọt, nông dân không thể tươi tiêu các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lương thực… dẫn đến hệ quả việc sản xuất nông nghiệp bị trì trệ. Nguy hại hơn, đất nhiễm mặn gây ra tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, thậm chí gây chết hàng loạt. Việc nuôi trồng các loại thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề bởi hiện tượng xâm nhập mặn.

Đáng chú ý nhất, ORDI cũng nhận định về tính “lưỡng dụng” của Kênh đào Funan Techo. Cụ thể là khả năng sử dụng cho hoạt động quân sự bên cạnh phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này. Và như vậy, Kênh đào Funan Techo không chỉ đơn thuần là một dự án phát triển kinh tế – xã hội mà còn có giá trị lớn về quân sự và tác động mạnh đến tình hình quốc phòng, an ninh của cả khu vực.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều