+
Aa
-
like
comment

Nơi bị “thiên nhiên bỏ rơi”

Bảo Trâm - 05/01/2023 14:16

Ấn Độ, đặc biệt là Mumbai – trung tâm tài chính lớn nhất nước – đang trải qua những ngày vô cùng tồi tệ khi bị “thiên nhiên bỏ rơi” khiến bầu không khí ô nhiễm đến mức “không thở nổi”.

Cả thành phố Mumbai chìm trong bụi mù

Trang India Times trích lời bác sĩ hô hấp nổi tiếng nhất Mumbai cho biết, ngay cả khi ông không đặt chân ra ngoài phòng khám của mình, từ hơi thở khó nhọc của bệnh nhân, bác sĩ Lancelot Pinto cũng biết rằng có điều gì đó không ổn đối với không khí của thành phố này.

Theo đó, một tỷ lệ lớn bệnh nhân trong những tháng qua đã gặp phải các triệu chứng hô hấp. Một số người phàn nàn về các triệu chứng “tức ngực, ho, thở khò khè khi ở ngoài trời”. Bác sĩ Pinto lý giải rằng không khí đột nhiên trở nên tồi tệ ở Mumbai có khả năng gây ra điều này hơn là nhiễm trùng.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì bầu không khí ngột ngạt. Tại thành phố này, nông dân đốt gốc rạ ở các tỉnh lân cận vào mùa đông, từ đó tạo ra những đám mây khói ở phía trong thành phố.

Xe cộ di chuyển khó khăn bởi tầm nhìn bị khuất do ô nhiễm

Tuy nhiên, trong vài tuần của tháng 11-12/2022, Mumbai, một trung tâm ven biển thường ít hứng chịu khói bụi như vậy, lại nhiều lần ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ hơn New Delhi.

Theo chỉ số giám sát chất lượng không khí AQI, Mumbai là đô thị có chất lượng không khí kém thứ ba của Ấn Độ, sau New Delhi và Kolkata.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, “Nam Á đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng”. Tổ chức này cho biết gần 60% dân số trong khu vực hít thở không khí có nồng độ bụi nhỏ hoặc muội than cao gấp 7 lần so với khuyến cáo của WHO. Họ ước tính ô nhiễm không khí ở Nam Á gây ra cái chết sớm của 2 triệu người mỗi năm..

Khi người dân Mumbai hầu như không thể nhìn thấy từ đầu này đến đầu kia của cây cầu Sea Link dài 5,6 km mang tính biểu tượng, nguyên nhân của bụi mù vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà khí tượng học theo dõi vấn đề này bao gồm tiến sĩ Gufran Beig, người sáng lập và giám đốc dự án của hệ thống dự báo chất lượng không khí tại Ấn Độ (Safar).

Dữ liệu giám sát không khí của ông minh họa mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm tăng đột biến: Từ ngày 5/11-12/12/2022, chỉ số chất lượng không khí của Mumbai ghi nhận chỉ số “kém” trong 20 ngày, so với 6 ngày trong cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, bốn ngày có chỉ số không khí rất kém, trong khi năm trước đó không có ngày nào như vậy.

Ông Beige cho biết vào mùa đông năm nay, “tốc độ gió trên bề mặt chậm hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua”. Gió cũng không đổi hướng và mang theo không khí biển vài ngày một lần như điều thường xảy ra, hệ thống tự làm sạch không khí đã bị hỏng.

“Luồng gió cần thiết từ đại dương vào đất liền chỉ được kích hoạt vào tuần trước”, ông giải thích vào thời điểm trước Giáng sinh. Không có một làn gió nào để cuốn đi lượng khí thải cao – từ xe cộ, đốt rác thải, công nghiệp, bụi xây dựng… Chúng bị mắc kẹt trong một làn khói mù mịt cay mắt.

Ông Beig cho biết sự lưu thông bất thường này là một phần của sự biến đổi rộng lớn hơn trong các kiểu gió do hiệu ứng thời tiết La Nina kéo dài ở Ấn Độ. Và điều đó có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bảo Trâm (Theo India Times, Financial Times)

Bài mới
Đọc nhiều