Công điện 1170 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng Tết Nguyên Đán 2023 cho người lao động cho thấy nỗi lo canh cánh của người đứng đầu Chính phủ trong những ngày cuối năm.
Dù trong Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê, các chỉ số tương đối lạc quan, nhưng 2 tháng cuối năm này, tình hình mất việc, giảm giờ làm, giảm lương lại đang tăng lên, khiến một bộ phận người lao động lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Đây là tình hình khách quan, bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế ở các thị trường truyền thống nhập khấu hàng hóa Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Đông Á…, khiến đơn hàng bị chững lại, hoặc đứt hẳn, đẩy doanh nghiệp trong nước vào tình cảnh khó khăn, không thể duy trì việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn này phần lớn là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, và lao động có thâm niên, như: may mặc, túi xách, lắp ráp điện tử, chế biến gỗ…, càng làm cho gánh nặng an sinh xã hội trở nên đáng lo hơn bao giờ hết.
Sa thải, cho công nhân nghỉ Tết dài hạn, cắt giảm giờ làm… đang là những biện pháp được nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng gia công áp dụng. Phổ biến ở một số công ty, người lao động được cam kết chi trả trợ cấp thôi việc là 2 tháng tiền lương đối với lao động bị cắt giảm, chi trả toàn bộ lương tháng 11 và thưởng 1 tháng lương nếu làm đủ 12 tháng trong 1 năm. Điều đó tuy là giải pháp có trách nhiệm của giới chủ, nhưng cũng cho thấy sang đầu năm 2023, sẽ có rất nhiều lao động không có việc làm, không còn nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình.
Muốn giải được bài toán nhiều hệ lụy này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, không thể không có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị. Do vậy, ngay phần đầu Công điện, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để thực hiện hiệu quả chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Vì có một thực tế, là ở một số tỉnh thành phía Nam, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung, hay doanh nghiệp phía Bắc vẫn đang cần công nhân. Việc kết nối thông tin lao động và việc làm một cách khoa học, hợp lý lúc này vô cùng giá trị và cần thiết, để người lao động có việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trước mắt và lâu dài.
Đề nghị tiếp theo này rất quan trọng. Nó cho thấy trong mọi hoàn cảnh không thuận lợi, người lao động vẫn có thể nhận được sự trợ giúp từ các cơ quan, đoàn thể nhà nước, mà không bị “đem con bỏ chợ”, hay phải “tự bơi”.
Công điện của Thủ tướng, được ký ngay sau chuyến công du châu Âu. Mong rằng, sau Công điện, các Bộ, ban ngành, đoàn thể sẽ cùng chung tay, hỗ trợ người lao động vượt khó, để khi cái Tết đầy lo âu qua đi, năm mới Quý Mão 2023 sẽ mở ra với thịnh vượng, và no ấm cho mọi người dân.
Nội dung: Phạm Khoa
Đồ họa: M.N