Những cuộc đấu trí khốc liệt tẩy sạch vùng đen trên chiến tuyến mạng
Việc các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp cùng nhau đưa hàng loạt các “ông trùm” cờ bạc trên không gian mạng, những tội phạm mạng như hacker Nhâm Hoàng Khang ra ánh sáng pháp luật là những tín hiệu đáng vui mừng. Tuy nhiên, với diễn biến “nở rộ” của dịch vụ trên không gian mạng như hiện nay, nguy cơ lừa đảo tăng cao thì cần nhiều hơn nữa sự mạnh tay của Bộ Công an trong việc trấn áp, thiết lập trật tự, tạo ra nhiều “vùng xanh” trên không gian mạng.
Không gian mạng của ngày hôm nay đã và đang trở thành nơi hoạt động nhộn nhịp, thu hút ngày càng nhiều các giao dịch, chi phối trực tiếp đến đời sống con người. Nhất là trong lúc dịch bệnh, chợ truyền thống và tiếp xúc vật lý hàng ngày dần nhường chỗ cho giao dịch trên không gian mạng. Mọi mua bán, giao dịch đóng tiền điện – nước, việc học và việc làm, thậm chí đến khám bệnh online cũng hoạt động mạnh mẽ.
Như một điều tất yếu, khi một thị trường tiềm năng và mở rộng trên không gian mạng, sẽ có không hiếm các trường hợp buôn bán online bị đánh cắp thông tin, con mồi được lôi kéo tham gia vào các dịch vụ đánh bạc, game phạm pháp và cũng không ít các trường hợp bị lừa đảo số tiền rất lớn, thậm chí hơn hẳn môi trường truyền thống rất nhiều.
Vụ việc công an Hà Nội đánh sập đường dây cờ bạc núp dưới vỏ bọc game online, với 160 đại lý, và bắt 18 đối tượng trong đó có cả “ông trùm”, 17 “chân rết”, thu giữ 13 xe ô tô, tiền mặt, phong tỏa tiền ngân hàng, bất động sản, trái phiếu, máy tính, hơn 2 vạn thẻ sim điện thoại, 12 bộ thiết bị đầu cuối GSM, kê biên tài sản 6 căn hộ, ước tính hàng ngàn tỷ đồng, khiến dư luận bàng hoàng. Hàng nghìn người, có cả học sinh, sinh viên và người lớn tuổi đã bước chân vào cờ bạc online. Biết bao gia đình tá hỏa vì dù có theo sát con cái, quản lý chặt chẽ các tài khoản mạng xã hội cũng không lường trước được những vụ việc ngoài tầm kiểm soát tinh vi thế này.
Rồi hàng loạt các vụ việc tương tự ở các tỉnh thành, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đánh sập đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng internet của 15 đối tượng có tuổi đời rất trẻ, đặc biệt kẻ cầm đầu Hoàng Ngọc Phú, sinh năm 1992. Rất nhiều nạn nhân mà báo động trong đó có thanh niên 27 tuổi lái xe công nghệ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vì chơi game bị thua đã đi cướp, chiếm đoạt 12 Ipad đem đi cầm cố lấy tiền “gỡ bạc”.
Tội phạm trên không gian mạng hiện nay còn hơn mạng nhện giăng lưới. Điều đáng chú ý hơn, con mồi của chúng không chỉ là sinh viên, học sinh hay người lớn tuổi thiếu kiến thức, dễ bị dụ dỗ mà ngay cả trí thức, doanh nghiệp và cả những người làm ăn bất chính đầy mánh khóe cũng trở thành đối tượng để hacker tiếp cận. Chấn động nhất vừa mới đây, trinh sát của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phanh phui, đưa hacker Nhâm Hoàng Khang ra trước ánh sáng pháp luật, khi truy vết tìm đủ bằng chứng cho thấy Khang đã đột nhập, nắm dữ liệu và tống tiền chủ một trang web hoạt động cờ bạc, con số ngã giá lên 400 triệu đồng.
Đến khi tay của hacker tra vào còng, nhiều người dân còn bàng hoàng vì trước và sau khi “cướp” 400 triệu, khi tiền đã nằm trong tài khoản thì Nhâm Hoàng Khang vẫn xuất hiện trên mạng xã hội đầy vênh váo, với tấm vải che “sống đúng pháp luật”.
Ai đã từng bị lừa – tống tiền bởi hacker đều thấm thía, cuộc chiến thiết lập những “vùng xanh” trên không gian mạng, để đưa những tội phạm nhiều mánh khóe, thủ đoạn và ma mãnh như hacker Nhâm Hoàng Khang ra trước pháp luật, rõ ràng là cuộc đấu trí không hề dễ dàng. Khi tội phạm lẩn khuất sau những phím bấm, ẩn mình vô danh, chưa kể việc xóa dấu vết dữ liệu nhanh như gõ đôi ba con chữ hay chỉ cần một cú click chuột thì mức độ nguy hiểm trên không gian mạng còn cao hơn so với bình thường.
Từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 9, Bộ Công an đã triệt phá 1.225 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều tội phạm mạng liên quan đến đánh bạc, lừa đảo. Thông báo phát đi từ Bộ Công an, hiện nay công tác đấu tranh trấn áp tội phạm diễn ra quyết liệt. Điều đó càng cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn liên quan hoạt động trên không gian mạng ngày càng cao và bất kỳ bản thân ai cũng đều có thể đang là con mồi trong tầm ngắm của tội phạm mạng.
Thông tin trên từ Bộ Công an cũng chính là lời nhắc nhở cho người sử dụng dịch vụ internet cần tăng cường công tác bảo mật của chính cá nhân, sự cảnh giác và tỉnh táo. Có khi những dữ liệu quan trọng bị hacker đánh cắp một cách dễ dàng lại bắt nguồn từ sự mời gọi của chính cá nhân chúng ta, những thông tin vốn dĩ cần bảo mật nhưng được chính chủ chia sẻ, phát tán rộng rãi trên khắp không gian mạng.
Thái Thanh