+
Aa
-
like
comment

Những mặt hàng nào có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nửa đầu năm 2024?

Bích Ngân - 04/07/2024 16:06

Nửa đầu năm 2024 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, sáu mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dệt may, giày dép, và gỗ và sản phẩm gỗ đã đóng góp hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32.911 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng này đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, không chỉ đóng góp vào việc ổn định kinh tế vĩ mô mà còn tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tăng trưởng trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã giúp bổ sung nguồn thu ngoại tệ, tạo động lực mở rộng sản xuất kinh doanh và thu hút vốn đầu tư.

Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất

Năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng đầu trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này không chỉ góp phần làm tăng giá trị sản xuất mà còn tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động và sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Điện thoại và linh kiện, với kim ngạch đạt 27.202 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng cho ngành sản xuất điện tử toàn cầu. Apple, từ năm 2019, đã bắt đầu lắp ráp và sản xuất AirPods tại Việt Nam, và vào năm 2020, các nhà máy của Foxconn cũng chuyển một phần hoạt động lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam.

Các nhóm hàng này đạt 22.932 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu máy móc thiết bị không chỉ giúp ổn định nền kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

– Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 16.282 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Ngành dệt may tiếp tục duy trì vị thế là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

-Xuất khẩu giày dép đạt 10.840 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngành giày dép Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

-Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7.424 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành gỗ không chỉ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

-Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong nửa đầu năm 2024 ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đóng góp hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bộ Công Thương dự báo cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra từ đầu năm.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xung đột Nga – Ukraine và Israel – Hamas tiếp tục leo thang, và cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Bên cạnh đó, công suất dư thừa tại Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng nền kinh tế trong nước có nhiều cơ hội, thuận lợi và khó khăn đan xen. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.

Theo Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Đồng thời, để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA, Bộ triển khai đa dạng các hình thức giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi. Các đơn vị của Bộ Công Thương cũng tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tóm lại, năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm bứt phá của xuất khẩu Việt Nam. Sáu mặt hàng chủ lực bao gồm điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dệt may, giày dép,  và gỗ và sản phẩm gỗ không chỉ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Những nỗ lực trong việc phát triển thị trường xuất khẩu, đàm phán các hiệp định thương mại và thúc đẩy dịch vụ logistics sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều