+
Aa
-
like
comment

Những lợi ích về kinh tế khi ASEAN thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau

Huy Hoàng - 17/08/2023 14:32

Trong khi các nước thuộc BRICS đề xuất một đồng tiền chung, giống với đồng tiền chung Euro của khối Châu âu, thì khối ASEAN lại đồng thuận trong việc thanh toán đồng nội tệ của nhau trong các giao dịch nội khối. Liệu hướng đi mới lạ này sẽ mang lại lợi ích gì cho các nước trong khu vực?

Giảm hơn nữa tác động không mong muốn từ bên ngoài.

Hãng CNBC đưa tin một hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới đã vừa được các quốc gia Đông Nam Á triển khai gần đây, cho phép người dân các nước ASEAN có thể dùng đồng nội tệ nước mình để thanh toán cho các dịch vụ của nhau.

Chẳng hạn, người dân Lào khi đến Việt Nam, họ có thể thanh toán bằng tiền Kíp Lào trong ví kỹ thuật số và ngược lại. Hoặc thậm chí một công dân tại Việt Nam có thể gửi tiền cho một cá nhân khác tại Lào thông qua ví kỹ thuật số một cách nhanh chóng mà không cần qua trung gian.

Một hệ thống giao dịch như vậy sẽ loại bỏ các đồng tiền khác ngoài khu vực trong thanh toán nội khối, như USD, NDT và EURO. Và tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền sẽ được quy đổi theo thỏa thuận chung giữa các ngân hàng trung ương.

Kế hoạch nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán thương mại, đầu tư, chuyển tiền xuyên biên giới giữa người dân các nước ASEAN.

Các chuyên gia nước ngoài bình luận rằng, một hệ thống toàn khu vực như thế này là chưa từng có ở các nơi khác trên thế giới. Đây có thể xem là một thành quả sáng tạo chung của các nước ASEAN.

Trước mắt, việc giảm bớt phụ thuộc vào các loại tiền tệ bên ngoài như đồng USD và NDT sẽ mang lại sự ổn định tài chính cho khu vực. Bởi trong khi đồng USD liên tục mạnh lên làm đồng tiền các nước ASEAN suy yếu, buộc các nước Đông Nam Á phải nhập khẩu thực phẩm và năng lượng với giá đắt đỏ hơn. Thì đồng NDT của Trung Quốc cũng có tác động lớn không kém, mỗi khi quốc gia này phá giá tiền tệ, cũng khiến hàng xuất khẩu các nước ASEAN mất đi tính cạnh tranh, ngược lại, hàng giá rẻ Trung Quốc thì đua nhau tràn vào thị trường, gây thâm hụt nghiêm trọng cán cân xuất nhập khẩu.

Việc giảm bớt phụ thuộc vào NDT và USD sẽ giảm thiểu những tác động từ bên ngoài. Giúp an ninh kinh tế khu vực được đảm bảo lành mạnh hơn.

Mặc dù hiện có những lo ngại khi triển khai hệ thống thanh toán này, như đồng Singapore sẽ trở thành đồng tiền dự trữ, từ đó lạm phát tại nước này sẽ xuất khẩu vào các nước còn lại trong ASEAN. Nhưng với các nước ASEAN, họ sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong chính sách tiền tệ, tác động sẽ được loại bỏ, hoặc nếu có thì vẫn sẽ thấp hơn rất nhiều nếu so sánh với những ảnh hưởng mà đồng USD và NDT từng mang lại.

Gắn kết về kinh tế mở đường cho gắn kết về chính trị, văn hóa.

ASEAN dù là khu vực có sự kết nối cao giữa các thành viên nhưng vẫn không thể tránh khỏi các vấn đề nảy sinh. Do đó, một hệ thống thanh toán chung sẽ giúp người dân và kinh tế các nước gắn kết hơn. Từ đó thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quốc tế. Củng cố được kinh tế là nền tảng mang lại hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, thịnh vương chung cho toàn khối ASEAN.

Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trước tình hình ảm đảm có thể kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam, thì việc phát triển hệ thống thanh toán nội khối như trên, chắc chắn sẽ mở đường cho hàng hóa nước ta tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng các nước ASEAN, đặc biệt tiếp cận thông qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ đó có thể mở ra những thị trường mới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, bù đắp phần nào thiếu hụt từ thị trường tỷ dân.

Với khoảng cách về địa lý gần, thuận tiện về vận chuyển, logistics nên sẽ không quá khó để các doanh nghiệp Việt khai thác những thị trường mới tại ASEAN. Hiện nay, hàng xuất khẩu Việt Nam đang là mảnh ghép cho nhiều nước ASEAN, ví dụ như, Singapore là nền kinh tế không có ngành Nông nghiệp, nên nông sản, thực phẩm Việt Nam có rất nhiều cơ hội.

ASEAN là khu vực có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, yêu cầu không quá khắt khe, nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa, GDP bình quân đầu người đã đạt ngưỡng 4.305 USD, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng GDP là 2.766 tỷ USD. Với dư địa phát triển còn lớn, chi tiêu người tiêu dùng sẽ còn tăng, thì việc tăng xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này sẽ giúp kinh tế Việt Nam sẽ có thêm một động lực tăng trưởng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng trung bình 6.5% mỗi năm.

Hơn hết, người tiêu dùng tại thị trường này rất cởi mở với những thương hiệu mới, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu trong khu vực và quốc tế.

Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới để mở đường cho xuất khẩu vào ASEAN sẽ con đường để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, khi những nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu chững lại.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều