+
Aa
-
like
comment

Những dấu ấn ngoại giao Việt Nam 2022

Hạnh Phúc - 25/12/2022 15:18

“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế: vì lợi ích quốc gia dân tộc” là những nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước ta. Tính tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế quan trọng.  Trong 2 năm bùng phát dịch Covid-19 chúng ta đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm và vị thế ngoại giao Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Phát triển đất nước và nâng cao vị thế và uy tín của đất nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao Việt Nam. Việt Nam xác định nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm đồng thời nâng cao hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; cán bộ ban ngành địa phương đã xây dựng nhiều đề án và chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Năm 2022, lãnh đạo nhà nước đã có nhiều chuyến thăm các nước thuộc đối tác ngoại giao vì mục đích thúc đẩy phát triển đa phương. Phải kể đến đầu tiên là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với 5 chuyến thăm lần lượt đến các nước Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; Phó thủ tướng Phạm Minh Chính có 3 chuyến thăm  đến Mỹ, Bỉ, Hà lan; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11/2022. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Cộng hòa Philippines, Australia và New Zealand được chúng tôi đánh giá là “những chuyến đi mang thịnh vượng về cho đất nước”. Kết quả từ những chuyến đi này là hạ viện Philippines đã thông qua nghị quyết thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia… nâng tầm vị thế ngoại giao của Việt Nam trong thời kỳ mới phát triển và hội nhập.

Một trong những dấu ấn trong chiến lược ngoại giao đa phương của Việt Nam là sự đồng thuận và quan tâm ủng hộ của bạn bè quốc tế. Sau bao luận điệu xuyên tạc của các tổ chức chống phá nhằm gây cản trở, ngày 11/10 vừa qua Việt Nam đã chính thức  trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Điều đáng tự hào hơn nữa là Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tham gia tổ chức này. Trước tin vui này của Việt Nam, Tổng thư ký Liên hợp quốc – A.Guterres cũng đã gửi lời chúc mừng đến Việt Nam. Để niềm vui được nhân đôi, cùng với dịp kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có lời mời Tổng thư ký đến thăm Việt Nam – Đất nước của hòa bình và nhân quyền và đã được hồi đáp bằng chuyến thăm Việt Nam đầy ý nghĩa từ ngày 21/10/2022 của ông A.Guterres.

Với khát vọng phát triển đất nước, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế. Trước những yêu cầu nhiệm vụ mang tính thời đại, khát vọng ấy sẽ tạo nên những dấu son thắm đỏ trong thành tựu ngoại giao được hứa hẹn toại thành.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều