+
Aa
-
like
comment

Những dấu ấn đáng chú ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng đầu tiên nhậm chức

05/05/2021 09:39

Hôm nay (5/5), tròn 1 tháng Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính đảm nhiệm cương vị Thủ tướng. Trong khoảng thời gian ngắn này, ông đã có nhiều chỉ đạo, quyết định quan trọng.

Điểm mới trong phân công công tác

Sau khi chức vụ Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có quyết định phân công công tác đối với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Điểm mới trong quyết định phân công công tác này so với các quyết định phân công công tác của Thủ tướng trước đây là: Thủ tướng không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng. Các Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng, trước Chính phủ và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và những chỉ đạo, quyết định đáng chú ý trong tháng đầu tiên - Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (ảnh VGP).

Trong đợt nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 3 ngày đã chủ trì 2 cuộc họp khẩn về phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết để bình tĩnh và sáng suốt, chủ động và sáng tạo, tích cực và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Trong công điện ngày 2/5, Thủ tướng đã phê bình, nhắc nhở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Khánh Hòa đã nhận khuyết điểm trước Thủ tướng.

Trong tháng đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của nhiều bộ, ngành. Tại các cuộc làm việc đó, Thủ tướng đều có những chỉ đạo quan trọng, như yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025.

Yêu cầu thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ

Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng giao Bộ này chủ trì, đề xuất việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư tại các trung tâm, thành phố lớn.

Tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng đã quán triệt nguyên tắc ‘3 không’: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm (vì có khó mới nhờ tới Bộ).

Làm việc với Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ cần tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của các bộ, ngành với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm cấp phó, cương quyết bỏ cấp phòng trong vụ, kết thúc cấp hàm. Bộ cần tập trung khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực; hoàn thiện chức danh tương đương trong hệ thống chính trị.

Làm việc với Ngân hàng Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “quản” dòng vốn vào bất động sản, đảm bảo phục vụ thực sự nhu cầu của người dân.

Để nắn dòng tiền chảy đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngoài các biện pháp trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước về lâu dài cần có giải pháp căn cơ phát triển thị trường tài chính.

Làm việc với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này phải nghiên cứu, thiết kế chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trên tinh thần phát huy tối đa sự sáng tạo, tự lực, tự cường của các cấp, các ngành; Dứt khoát xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, xóa bỏ cơ chế xin – cho để mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự lực, tự cường phấn đấu với tinh thần cao nhất.

Trong phiên họp đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn (họp ngày 15/4), Thủ tướng đã nhấn mạnh tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về công tác đối ngoại, trong tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên để tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN theo lời mời của Chủ tịch ASEAN 2021, Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah.

Trong khuôn khổ Hội nghị và tại các cuộc gặp song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các phát biểu quan trọng, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp giúp ASEAN đoàn kết, nỗ lực vượt qua các thách thức đang nổi lên, duy trì và đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy phát triển bền vững, giữ vững và tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, hình ảnh, vị thế của ASEAN.

Các phát biểu của Thủ tướng vừa hướng tới các vấn đề chiến lược, lâu dài, vừa đề cập các nội dung cấp bách, cụ thể, thiết thực; phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế hiện nay; tập trung vào thúc đẩy triển khai các định hướng hợp tác mà ASEAN đã thống nhất, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của ASEAN trong giai đoạn tích cực phòng chống và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống người dân; duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực, kể cả trên các vùng biển, để phục hồi và phát triển kinh tế.

PV

Bài mới
Đọc nhiều