+
Aa
-
like
comment

Những chính sách hiệu lực tháng 2 người dân cần chú ý!

31/01/2022 06:30

Những chính sách mới sắp có hiệu lực: Tăng thời gian làm thêm của lao động thời vụ; điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH; người có công được hưởng chính sách hỗ trợ nhà….

Từ tháng 2/2022, nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực tư pháp, giáo dục, lao động – thương binh và xã hội chính thức có hiệu lực.

Thời gian làm thêm của lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng Có hiệu lực từ 1/2, Thông tư 18 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định rõ về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ thay vì 32 giờ/tháng như trước đây. Ngoài ra, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ thay vì 64 giờ mỗi tuần như trước.

 

Người lao động làm công việc thời vụ cũng không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó. Ảnh: Phương Lâm.

Đáng chú ý, kể từ 1/2, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, Tết, người lao động làm công việc thời vụ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.

Không được chụp ảnh, ghi âm khi tham gia phiên tòa trực tuyến

Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến được quy định tại Thông tư liên tịch 05 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Văn bản này có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng 2.

Thông tư nêu rõ những yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến: Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; chỉ phát biểu khi được yêu cầu; không được tạo tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.

Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử (khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép); không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu/thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.

Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu.

Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền phải xuất trình văn bản ủy quyền.

Theo Nghị quyết 33 của Quốc hội, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến trong một số trường hợp, từ 1/1.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH

Có hiệu lực từ 20/2, Thông tư 36 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Hệ số này được điều chỉnh mỗi năm nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá BHXH.

Từ cuối tháng 2, hệ số này tăng nhẹ với mức tăng 0,09 lần áp dụng cho giai đoạn đóng BHXH trước 1995.

Nhung chinh sach moi co hieu luc tu thang 2 anh 2
Từ tháng 2, hệ số thu nhập, tiền lương đóng BHXH sẽ tăng nhẹ. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 tăng nhẹ so với năm 2021 sẽ giúp mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tăng.

Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tăng theo, trong đó, có tiền BHXH một lần, tiền lương hưu hàng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…

Giai đoạn đóng BHXH năm 1995 tăng 0,08 lần; giai đoạn đóng BHXH từ 1996 đến 1999 tăng 0,07; giai đoạn đóng BHXH từ 2000 đến 2003 tăng 0,06. Tới giai đoạn đóng BHXH từ 2014 đến 2020, hệ số trượt giá BHXH chỉ tăng 0,02.

Người có công được hưởng chính sách hỗ trợ nhà

Theo Nghị định 131 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/2, người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… được hỗ trợ về nhà ở bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, họ có thể được hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước hay được hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất).

Người có công với cách mạng được hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Ngoài ra, những người này còn được hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Bốn trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Có hiệu lực từ ngày 1/2, Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường.

Thông tư nêu rõ bốn trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

– Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

– Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

– Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

– Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Quy định mới về điều kiện tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước

Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học. Đây là quy định mới tại Thông tư 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 15/2, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại trường THCS và THPT.

Theo quy định hiện hành, sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm một tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.

Đối với điều kiện văn bằng, thông tư bổ sung quy định học sinh vào học tại trường THCS phải có học bạ của các lớp học trước đó cùng với xác nhận của nhà trường về việc được chuyển lên lớp trên.

Nhung chinh sach moi co hieu luc tu thang 2 anh 3
Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học. Ảnh: Nam Khánh.

Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng

Nghị định 134 của Chính phủ hiệu lực từ ngày 15/2 gồm một số quy định mới liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Nghị định 59 năm 2019 trước đây quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Tuy nhiên, đến Nghị định 134, Chính phủ chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác chỉ được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Như vậy, dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận không tham nhũng, cán bộ không được trở lại vị trí công tác cũ.

Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo Thông tư số 31 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực từ 15/2.

Điểm mới đáng chú ý nhất của thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo phải kê khai số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các trường hợp này tạm thời phải kê khai thông tin về ngày sinh, dân tộc (để phục vụ việc in thẻ và xác định điều kiện của người được cấp thẻ là người dân tộc) do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều