Những chính sách đầy nhân văn của thành phố dành cho người lao động
Ngay cả khi TP.HCM trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất, cuộc sống của người lao động cũng không khó khăn như lúc này.
Ngay đầu quý 4 năm nay, dấu hiệu của những khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã bắt đầu lộ rõ. Đầu tháng 11, Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên gia công giày da xuất khẩu, thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.200 lao động ngay tháng cuối năm. Làn sóng sa thải bắt đầu xuất hiện sau đó với 1500 công nhân của Công ty TNHH Việt Nam Sanho (100% vốn Hàn Quốc). Đến cuối tháng 11/2022, số lượng doanh nghiệp buộc phải sa thải công nhân do không có đơn hàng đã vượt con số hàng chục.
Sở dĩ có hiện tượng này là vì khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu đã đẩy các đối tác của nhiều doanh nghiệp trong nước vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, không thể tiếp tục đặt hàng. Hàng chục nghìn công nhân rơi vào cảnh khó khăn cùng cực khi nhận quyết định cho thôi việc. Bởi đa phần đều đã lớn tuổi, gần 50 tuổi thì rất khó để xin việc mới trong khi cái Tết đã cận kề. Những giọt nước mắt của người công nhân lớn tuổi gây ám ảnh cho dư luận.
Trước tình hình đó, chính quyền TP.HCM đã rất kịp thời đưa ra các chính sách, và nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực người lao động. Như “Tháng Tiếp sức và Đồng hành cùng người lao động” diễn ra từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 10/1/2023 với mục tiêu kết nối, giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe; Hỗ trợ nâng cao tay nghề, trang bị kỹ năng mềm cho người lao động, từ đó giúp họ dễ tìm việc hơn. Nhiệm vụ này được Liên đoàn lao động thành phố đảm nhiệm với hơn 1.000 người được hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng miễn phi trên website, fanpage sieuthivieclam, các diễn đàn, các group tìm việc nhanh zalo, các nhóm việc làm thời vụ…Những nỗ lực này giúp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến nhanh hơn với người lao động có nhu cầu tìm việc làm. Đã có 770/1.083 người bị cắt giảm đã có việc làm mới, gần 7.000 việc làm mới được giới thiệu; Hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục liên quan đến thuế, xem xét giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, quay vòng vốn nhanh, từ đó, có tiền chăm lo cho người lao động.
Đối với những lao động vẫn giữ được việc, thì các hoạt động chăm lo Tết cũng khá đa dạng, đơn cử như: Chương trình “Tấm vé nghĩa tình – Tết đoàn viên”, trao tặng vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay cho 30.000 đoàn viên công đoàn, người lao động; Chương trình “Tết Sum vầy – Xuân tri ân” chăm lo 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón Tết với kinh phí 1 triệu đồng/hộ; Chương trình “Công nhân vui Tết cùng Thành phố” lần 2, chăm lo 5.000 hộ gia đình đoàn viên, công nhân lao động, và nhiều chương trình khác đã trở thành truyền thống tốt đẹp của TP.HCM, như: “Phiên chợ nghĩa tình – Tết đoàn viên”, “Chương trình Tết cho em” … Các hoạt động chăm lo Tết này có tổng kinh phí là 140 tỷ đồng.
Dù còn nhiều khó khăn, thử thách đối với tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM trong năm 2023, nhưng với các chính sách, và nhiều biện pháp chăm lo, chia sẻ, đồng hành cùng người lao động như hiện nay, TP.HCM xứng đáng trở thành nơi hội tụ nguồn lực khắp cả nước.
Phạm Khoa