+
Aa
-
like
comment

Nhốt quyền lực: Bắt đầu từ công tác cán bộ

Bảo An - 22/11/2020 17:59

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, trong công tác nhân sự Đại hội các các cấp vừa qua, đánh giá chung được đưa ra là công tác nhân sự đại hội có nhiều mới, chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề hết sức phải quan tâm, đặc biệt là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn có biểu hiện cục bộ địa phương, vẫn có tình trạng bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc

Nhốt quyền lực: Bắt đầu từ công tác cán bộ

Vừa qua, các cấp đảng đã tổ chức Đại hội để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được diễn ra vào đầu năm 2021. Đại hội Đảng các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là thời điểm để tổng kết, đánh giá quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, đây cũng là thời điểm để xây dựng, triển khai các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Tại Việt Nam, đặc điểm chính trị là có một Đảng duy nhất lãnh đạo, Đảng cộng sản là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong thể chế chính trị. Chính bởi vậy, Đại hội Đảng không chỉ có ý nghĩa riêng với Đảng, với đảng viên mà có ý nghĩa chung với toàn dân tộc.
Trong công tác tổ chức Đại hội Đảng, công tác nhân sự được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Như đã phân tích ở trên, do Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên đội ngũ cán bộ của Đảng, đặc biệt là những cán bộ cốt cán sẽ đồng thời cũng là những cán bộ quản lý, cán bộ cấp cao trong hệ thống chính quyền. Do đó, việc lựa chọn nhân sự phải tiến hành một cách hết sức cẩn trọng.

Để chuẩn bị tiến tới Đại hội XIII, Đảng ta đã có những hướng dẫn rất chi tiết, kỹ lưỡng, chặt chẽ về việc tiến hành công tác nhân sự. Đây là một trong những “chìa khóa” để có thể lựa chọn ra những cán bộ đủ đức, đủ tài nắm giữ quyền lực.

Về cơ bản, nhân sự Đại hội các cấp được lựa chọn đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn có biểu hiện cục bộ địa phương, vẫn có tình trạng bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Dù vấn đề trên chỉ là cá biệt nhưng chúng ta không thể bỏ qua.

Cần phải thấy rằng việc cục bộ địa phương, việc bố trí người nhà, người thân chưa đủ điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy là một biểu hiện của sự “tham lam” quyền lực, là dấu hiệu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc cán bộ không đủ năng lực, không đủ uy tín, không đủ điều kiện nhưng vẫn được o bế đặt vào các vị trí lãnh đạo không những khiến cho nội bộ đơn vị phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết mà nó còn khiến cho những sai phạm, tiêu cực có cơ hội phát sinh, nảy nở. Đặc biệt, đây cũng chính là một trong những nguồn gốc dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy.

Trong thời gian qua, chúng ta đề cập đến vấn đề “nhốt quyền lực” để nó không bị lạm dụng sử dụng vào những việc làm sai trái. Tuy nhiên, làm sao để “nhốt quyền lực” thì lại không hề dễ dàng.

Thiết nghĩ, việc “nhốt quyền lực” muốn thành công thì trước nhất chúng ta phải “nhốt” được quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ. Nghĩa là chúng ta phải chặt đứng mọi vấn đề tiêu cực trong công tác này, từ công tác tuyển dụng, đào tạo, phân công công tác, đánh giá cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm.

Muốn vậy, một mặt chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ có năng lực, trình độ, đạo đức và thực sự liêm khiết làm công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời, phải siết chặt việc xử lý cán bộ sai phạm, xây dựng được một cơ chế pháp lý để cán bộ của ta không dám làm sai và không có điều kiện để làm sai.

Phát huy sức mạnh tập thể

Rõ ràng, vấn đề cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy chỉ có cơ hội nảy nở, phát sinh tại những địa bàn thiếu dân chủ, thiếu khách quan, thậm chí là có dấu hiệu của việc quyền lực bị thâu tóm.

Từ xưa đến nay, lịch sử đã chứng minh khi quyền lực bị tập trung vào tay của một người, nếu không có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá, kìm hãm của tập thể thì chắc chắn nó sẽ sớm bị suy thoái, biến tướng. Khi đó, không phải là con người điều khiển quyền lực mà ngược lại, con người bị quyền lực điều khiển.
Do vậy, trong tất cả các công việc nói chung và trong công tác tổ chức cán bộ nói riêng tinh thần dân chủ phải được đề cao. Việc đánh giá một cán bộ không chỉ nhìn vào báo cáo thành tích đơn thuần mà phải nhìn thẳng vào hiệu quả công việc trên thực tế, vào ý kiến nhận xét, đánh giá của đồng nghiệp.

Quyền lực nếu không được kiểm soát thì nó sẽ bị thoái hóa. Khi quyền lực bị thoái hóa thì chắc chắn vô vàn tiêu cực sẽ nảy sinh.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều