Nhìn từ tô mì ăn liền của người dân Indonesia!
Indonesia là một trong những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất toàn cầu. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của nền kinh tế lớn nhất ASEAN này đạt 13,27 tỷ suất ăn vào năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ phần ăn của Trung Quốc. Nếu tính về mức độ tiêu thụ trên đầu người, Indonesia thậm chí còn vượt qua Trung Quốc với tỷ lệ 50 khẩu phần ăn mỗi năm. Tuy nhiên, việc thiếu lúa mì trầm trọng đã khiến người dân Indonesia có nguy cơ từ bỏ món ăn khoái khẩu của mình!
Cơn khủng hoảng mì ăn liền nghiêm trọng nhất trong lịch sử Indonesia
Trước khi chiến sự xảy ra, Ukraine và Nga cùng chiếm 1/4 thương mại ngũ cốc toàn cầu, chiếm 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu. Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới. Các nước có thu nhập thấp và trung bình là những bên hưởng lợi quan trọng từ lúa mì của Ukraine. Indonesia, Bangladesh và Ai Cập là một trong những nước tiêu thụ lúa mì Ukraine lớn nhất. Năm 2021, Indonesia nhập khẩu 3,07 triệu tấn lúa mì từ Ukraine.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, mọi nguồn cung ứng hầu như bị kẹt, giá thành tăng tốc không phanh. Tại thời điểm hiện tại, giá lúa mỳ tại Indonesia đang ở mức 0,78 USD cho mỗi kg – tăng cao hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021. Theo một báo cáo gần đây của OECD, Indonesia là một trong những quốc gia “thấm” ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine nhất. Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà sản xuất bột mì Indonesia cho biết, ít nhất 8 container bao gồm 160 tấn lúa mì cần cho bột mì đã bị mắc kẹt cho đến nay.
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng tới 4,94%. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục kể từ tháng 10/2015 và vượt qua mục tiêu vượt qua mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%-4% của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Điều này có nghĩa là giá mì ăn liền sẽ tại Indonesia sẽ tiếp tục tăng cao, người dân có nguy cơ buộc phải “khóa miệng” trước món ăn bình dân này.
Từ những số liệu trên cho thấy một thực trạng cực kỳ nguy hiểm và đang hiện hữu ở Indonesia hiện nay đó chính là an ninh lương thực. Chỉ một cú va chạm trên thế giới mà Indonesia có nguy cơ ốm liệt giường, người dân “khát” mì ăn liền. Nếu như sắp tới cuộc chiến Trung Mỹ, căng thẳng Trung Đài Loan tăng cao hơn nữa thì e rằng, người thu nhập trung bình tại Indonesia sờ đến được mì ăn liền chỉ còn là ước mơ.
Thực ra không chỉ có Indonesia mà an ninh lương thực toàn cầu cũng đang bị đe dọa bởi lạm phát và các căng thẳng địa chính trị. Trong bối cảnh ấy, mỗi quốc gia đều phải tự phát huy nội lực sẵn có, nếu không muốn trở thành quân cờ chính trị trong trận chiến giành ngôi vị của các cường quốc.
Việt Nam làm gì để đảm bảo an ninh lương thực?
Phải thẳng thắn thừa nhận dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam không tự chủ được về an ninh lương thực. Mặc dù chúng ta có sản lượng xuất khẩu lương thực cao so với khu vực song hiện tại vẫn phụ thuộc rất nhiều vào giống và phân bón từ nước ngoài. Chính vì thế, mới dẫn đến tình trạng, người nông dân khóc trên chính cánh đồng của mình do giá thành lúa không tăng mà phân bón, thuốc trừ sâu đã tăng đến 60%. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thẳng thắn thừa nhận điều đó trong phiên chất vấn Quốc hội mới đây.
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng do tập quán canh tác đã khiến nông nghiệp Việt Nam không thể khởi sắc dù cho có rất nhiều chính sách, giải pháp. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu chúng ta giảm một nửa lượng giống gieo sạ so với tập quán hiện nay, thì có thể tiết kiệm được 40% phân bón và vật tư đầu vào. Chính vì thế, để giải quyết bài toán này cần nâng cao kiến thức và cách làm mới hiện đại cho bà con nông dân.
Như cách mà GS.TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ rằng, thay vì đợi cây lúa lên rồi mới bón phân, và phải bón rất nhiều phân thì bón lót phân trước khi sạ giống. Cách làm này đã được Hợp tác xã Tân Tiến (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện trên diện tích 50 ha lúa. Kết quả là lượng phân bón chỉ tốn 40% so với trước, lúa lên nhiều, năng suất không giảm nhưng giá thành sản xuất đã giảm, chỉ còn hơn một nửa. Đã có kết quả thấy rõ, tại sao vẫn chưa được các Hợp tác xã khác triển khai, câu hỏi này cần gửi đến Bộ Nông nghiệp.
Thứ nữa, hiện tại với tiêu chuẩn an toàn thế giới, lương thực của Việt Nam sản xuất chứa lượng thuốc trừ sâu quá hàm lượng cho phép rất nhiều lần. Điều này khiến giá thành của Việt Nam bị lép vế so với khu vực. Chính vì thế, lợi nhuận trên những công ruộng không hề cao. Điều này dẫn đến một thực trạng người nông dân bỏ ruộng để làm công nhân. Nếu muốn có một số lượng nhân sự nhất định mặn mà sản xuất trên chính mảnh đất của cha ông mình thì buộc Bộ Nông Nghiệp phải giải quyết được bài toán lợi nhuận. Mà trước hết phải là quy định về hàm lượng phân bón và thuốc trừ sâu.
Cần nhìn nhận rõ, an ninh lương thực đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi mỗi quốc gia phải điều chỉnh chính sách của mình. Sự chần chừ chỉ khiến chúng ta thêm nguy cơ rủi ro trước những cuộc chiến không biết lúc nào nổ ra ở trên thế giới.
Công Luân