Nhận diện “đại dịch tin giả”
Thủ đoạn gây nhiễu loạn thông tin là chiêu trò khá phổ biến mà thế lực thù địch, kẻ cơ hội chính trị, bất mãn sử dụng hòng tạo dựng sự hoài nghi, gây mất đoàn kết trong quần chúng nhân dân. Chúng tạo nên một “đại dịch” khác trên mạng xã hội, đó là “đại dịch tin giả”, nhằm làm lẫn lộn đúng, sai, thật, giả.
Như mới đây, trên trang mạng Việt Tân đăng tải bài viết có tiêu đề “dân đói mặc kệ dân, Đảng vẫn tìm cách móc túi dân” của tác giả Lê Ánh. Theo đó, đối tượng cố tình rêu rao cho rằng Chính phủ thu thuế, dụ dân bỏ tiền ra để đầu tư, cướp đất dân… để “chèn ép”, “Cho dù dân đói, dân thất nghiệp, dân không có ăn, nhưng Đảng lúc nào cũng nhìn vào túi tiền của dân mà “móc”.
Các đối tượng xuyên tạc nhà nước đang tiến hành “tận thu” với người lao động sau đó kêu gọi, kích động người dân. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng lu loa rằng, “Đảng không bận tâm về hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 mà chỉ quan tâm làm sao để bòn rút tiền của dân để Đảng vẫn “muôn năm trừng trị”…
Xin thưa thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng chính sách này. Bởi đây là khoản thu chủ yếu, quan trọng trong Ngân sách nhà nước. Mục đích của việc thu thuế là nhằm điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và định hướng phát triển kinh tế và đảm bảo sự bình đẳng giữa những chủ thể kinh doanh và công bằng xã hội.
Mới đây thôi, khi các tỉnh miền Nam chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, cũng chính ngân sách nhà nước đưa ra để hỗ trợ các địa phương mua kit test Covid, hỗ trợ người dân, ngân sách chống dịch cho người dân… Việt Nam là một trong số những quốc gia hiếm hoi chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho công dân của mình. Và những người nghèo, lao động thất nghiệp, doanh nghiệp… được cấp gói hỗ trợ. Vậy, tiền thuế, đến cuối cùng vẫn trở thành lợi ích chung cho cả cộng đồng xã hội chứ không hề mất đi cho một nhóm lợi ích nhỏ lẻ.
Hơn nữa, việc người dân đầu tư cho chính tài sản của họ là hoàn toàn tự nguyện. Hiện nay điều mà Chính phủ trăn trở là làm sao có một chính sách, một cơ chế hợp lý, tạo được niềm tin và sự hấp dẫn đối với người dân. Chỉ có vậy, mới kích thích được người dân có tiền nhàn rỗi đưa lượng tiền đó vào vòng lưu thông của nhà nước. Và chỉ khi làm được điều đó, thì cả người dân có tiền lẫn nhà nước đều được lợi.
Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, chính quyền đã có rất nhiều chính sách để giảm thuế, miễn thuế cho người dân, doanh nghiệp. Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đang trong quy trình xem xét của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, nghị quyết sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất, có thể tính theo ngày. Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh. Đó mà là tận thu, móc túi sao?
Thực tế, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; Nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp… là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.
Dù chiêu trò bôi nhọ, hạ uy tín của nhà nước không phải là mới. Thế nhưng, thủ đoạn gần đây là thường phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi trong dư luận xã hội, tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Chính vì vậy, đề nghị người dân cần phải thật bình tĩnh, sáng suốt khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội.
Hải Anh