+
Aa
-
like
comment

Nhận diện cán bộ “phòng thủ” trước Đại hội Đảng bộ các cấp

15/11/2019 06:25

Cần phải sớm nhận diện thái độ “phòng thủ”, nhất là ở thời điểm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng đang đến gần.

vna_potal_be_mac_hoi_ngh

Về vấn đề này, ông Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã có rất nhiều bài viết và phát biểu thẳng thắn liên quan đến những điều đã làm được và chưa làm được trong công tác cán bộ. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh sự trung thực, liêm sỉ của cán bộ trước đại hội, trước những cuộc bầu bán như là quy hoạch, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại.

Ông Nhị Lê cho rằng, không ít cán bộ, đảng viên giữ mình để cốt đạt được mục đích của họ. Họ không dám làm điều gì. Việc gì có lợi cho họ thì họ hết sức làm, việc gì không có lợi thì lại ngoảnh mặt làm ngơ. Theo ông, đây là sự thờ ơ chính trị nhức nhối nhất hiện nay.

Ông Nhị Lê nhận diện những cán bộ thiếu trung thực thuộc dạng ba phải, phòng thủ trước đại hội, có những biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể.

“Ở những thời điểm nhạy cảm, có ý nghĩa quyết định, từ giờ cho đến tháng 4 nưm 2020 là Đại hội Đảng bộ các cấp, bắt đầu từ cơ sở và theo lộ trình Chỉ thị 55 của Bộ Chính trị thì kết thúc quý 3/2020 là kết thúc Đại hội ở cấp tỉnh, thành và các đảng bộ trực thuộc trung ương. Chúng ta thấy ngay từ bây giờ đã thấp thoáng những biểu hiện phòng thủ từ xa, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đùn hết trách nhiệm cho tập thể. Con bài tập thể là con bài an toàn nhất, trong khi thể chế của chúng ta về vấn đề này vẫn còn rất nhiều những điều cần chỉnh đốn và bổ sung”- Nhà báo Nhị Lê trăn trở.

nhan dien can bo "phong thu" truoc dai hoi dang cac cap hinh 1
Nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản

Không khó để nhận diện những cán bộ dè dặt với công việc, dè dặt không dám đấu tranh tự phê bình và phê bình, dè dặt trước mỗi cuộc lấy phiếu, bầu bán. Lý giải nguyên nhân của việc dễ nhận diện nhưng lại không dễ đấu tranh, ông Nhị Lê cho rằng, có nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc còn nhiều khoảng trống thể chế để xử lý dứt điểm tình trạng này. Thứ nhất, người Việt mình hay có tính cả nể. Thứ hai, sự hoàn thiện về thể chế vẫn đang còn khoảng trống, cơ chế của chúng ta đã rất tiến bộ nhưng còn đầy rẫy những việc chúng ta tiếp tục phải làm, bảo vệ người đấu tranh đồng thời cũng trừng phạt những người tố cáo, những người lợi dụng dân chủ để làm rối tình hình. Thứ ba, hoàn thiện bộ thể chế đo lường được cán bộ, từng vị trí theo công việc, kiểm tra, giám sát từ nhân dân.

Trên thực tế, có những cán bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều tổ chức. Theo ông Nhị Lê, việc để những cán bộ ươn hèn, yếu ớt đó tồn tại trong tổ chức thì sẽ dẫn tới hệ luỵ. Đảng không còn là tổ chức cách mạng.

“Một Đảng gồm những đảng viên yếu ớt thì không còn là một tổ chức cách mạng nữa, không nói đến một Đảng hành động, một Đảng cách mạng và càng không nói đến một Đảng đổi mới. Phải tẩy bỏ, sửa đổi tất cả thói ba hoa, cơ hội và khi chủ nghĩa cơ hội cộng sinh với chủ nghĩa thực dụng thì nguy cơ làm cho tổ chức Đảng không chỉ xộc xệch mà còn bạc nhược. Vì vậy, cần kiên quyết nhận diện, kiên quyết chỉnh đốn một nhóm đảng viên theo gió bẻ buồm”.- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phân tích.

Một trong những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khoá 12 đã chỉ ra đó là trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thực tế đó cũng được Ban Bí thư thẳng thắn nêu lên tại kết luận số 55 về chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng ban hành ngày 15/08/2019. Rõ ràng, đây là một biểu hiện suy thoái không thể xem nhẹ và hệ luỵ để những cán bộ ươn hèn, yếu ớt ấy tồn tại trong tổ chức, thậm chí là có thể leo cao hơn nữa cũng đã được chỉ ra. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần nhận diện, đấu tranh đẩy lùi biểu hiện suy thoái ra khỏi mỗi cán bộ, đảng viên.

Đàm Hoa/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều