Nhà đầu tư ngoại “thâu tóm” dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương nói bình thường
Theo Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, qua đó “thâu tóm” không ít dự án điện mặt trời, điện gió.
Về vấn đề này, ngày 18-5, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết đến nay, số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore…
“Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông… do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án”- lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá.
Khác với các dự án điện than hay điện khí đầu tư theo hình thức BOT, phía Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ.
Chính vì vậy, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.
Bộ Công Thương cũng dẫn quyết định số 11 và số 13 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời để minh chứng cho việc hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào ngành điện. “Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư điện mặt trời theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về đầu tư, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”- phía Bộ Công Thương lưu ý.
Việc nhà đầu tư ngoại “thâu tóm” các dự án năng lượng tái tạo có thể kể đến như Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên.
Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.
Hay vào tháng 3-2019, Tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cũng đã ký kết hợp tác tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp. Dự án này đã được khởi công từ tháng 9-2018, có quy mô công suất 50 MWp, đặt tại tỉnh Bình Định. Sản lượng điện năng dự kiến của dự án vào khoảng 76.500 MWh mỗi năm.
Tính đến hết ngày 11-5, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW vận hành thương mại.
Minh Phong/NLD