Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương: Lò chống tham nhũng sẽ tiếp tục toả sức nóng trong nhiệm kỳ mới
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, việc lựa được các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có đủ đức, tài sẽ góp phần giúp đất nước giàu mạnh.
Chọn người có tài, có đức đất nước mới giàu mạnh
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, Đại hội XIII diễn ra từ 25/1 – 2/2 là sự kiện chính trị rất quan trọng.
Ông nói, có thể gọi đây là sự kiện mang “sứ mệnh đặc biệt”, bởi ngoài việc xây dựng định hướng cho 5 năm tới như các đại hội khác, thì Đại hội XIII sẽ xây dựng định hướng tới năm 2030 và 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và thành lập nước). Cách đặt vấn đề như vậy là tư duy mới, nhìn xa trông rộng để thấy con đường đi phải thế nào.
“Đại hội XIII bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, vì vậy trách nhiệm của Đảng là đưa đất nước phát triển, không để sai lầm, khuyết điểm nào cản trở sự phát triển. Lãnh đạo phải toàn diện, nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, ông Hùng nêu.
Từ thực tế, kinh nghiệm qua các Đại hội, theo ông Hùng việc quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới để bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như giới thiệu 4 chức danh lãnh đạo của đất nước.
Ông nhấn mạnh rằng Trung ương lần này đã rút kinh nghiệm, chỉ đạo rất chặt chẽ trong các quy trình lựa chọn công tác cán bộ. Đại biểu dự Đại hội phải là người xứng đáng nhất về phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ để bầu ra các Ủy viên Trung ương khoá XIII đủ đức, tài, trưởng thành từ thực tế.
Điều quan trọng hơn, những Uỷ viên được đại biểu bầu đều khách quan, dân chủ chứ không phải bằng sự “vận động không lành mạnh” hay “lợi ích nhóm, phe cánh”.
Ông nêu, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều khẳng định, để phòng tránh “vận động không lành mạnh, phe cánh, lợi ích nhóm”, điều quan trọng nhất, phải xây dựng quy chế, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nhận diện những hành vi để kịch liệt lên án, phản đối, thậm chí kỷ luật, xử lý nghiêm minh.
Ngoài những quy chế chặt chẽ, theo ông Hùng, quan trọng không kém nằm ở chính mỗi đại biểu, họ phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bầu BCH Trung ương khóa mới.
Đại biểu phải có tâm sáng, trí tuệ để đưa ra quyết định, lựa chọn sáng suốt, khách quan, công tâm, vì lợi ích của Đảng, của nhân dân.
“Đại biểu phải đọc kỹ lý lịch, tiểu sử, quá trình công tác của từng ứng viên bầu vào BCH TƯ khoá mới, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt với lá phiếu. Ngoài ra, nếu có thắc mắc về bất cứ ứng viên nào cần ý kiến ngay, không nên nể nang, né tránh.
Chúng ta phải xác định, lựa chọn được mỗi Uỷ viên BCH Trung ương có đủ đức, đủ tài là góp phần làm đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Đảng được trong sạch, vững mạnh, bởi công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cá nhân tôi, cũng như các đảng viên và nhân dân đều kỳ vọng Đại hội sẽ bầu ra BCH Trung ương là những cán bộ tiêu biểu nhất, trí tuệ nhất, phẩm chất đạo đức nhất của Đảng để gánh vác công việc của đất nước”, ông Hùng gửi gắm.
Tạo ý thức “không muốn” tham nhũng trong cán bộ, đảng viên
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là: “không thể, không dám và không cần”.
Lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”. Ngoài “ba không”, có thêm một không nữa là “không muốn” tham nhũng. Ông giải thích:
– “Không thể”: Cần xây dựng, hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách để người ta không thể lợi dụng sơ hở để tham nhũng;
– “Không dám”: Phải kiên quyết xử lý nghiêm như thời gian qua đã làm, thể hiện không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngừng nghỉ;
– “Không cần”: Phải đảm bảo cuộc sống, tiền lương cho cán bộ, công chức đầy đủ để họ yên tâm làm việc, không cần tham nhũng.
Tại sao thêm “không muốn”, ông Hùng lý giải: Thực tế đã có những cán bộ đủ ăn, thậm chí là thừa ăn vẫn cứ tham nhũng. Do đó, “không muốn”, tức là phải giáo dục, tạo ra ý thức, lòng tự trọng, kèm theo chế độ, chính sách đầy đủ để người đó không muốn tham nhũng.
“Muốn phòng chống tham nhũng, đòi hỏi tất cả phải trong sạch, không được tham lam. Muốn vậy, cần có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nâng cao đời sống, giáo dục ý thức, để cán bộ, đảng viên thấy được sự liêm sỉ, lòng tự trọng trong mỗi người, từ đó họ không thể, không dám và không muốn tham nhũng…”, ông Hùng giải thích.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, trước đây người ta thường dùng cụm từ “hạ cánh an toàn” để nói việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm, cho dù lúc đương chức có sai phạm.
Nhưng ở nhiệm kỳ XII đã thay đổi căn bản. Nhiều cán bộ dù đương chức, ở cấp cao hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị đưa ra xử lý, kỷ luật nghiêm minh, thậm chí, nhiều cán bộ kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý hình sự.
Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn của pháp luật, mà giúp củng cố niềm tin trong nhân dân, là tiếng chuông cảnh tỉnh những người đã và đang có dấu hiệu sai phạm.
“Với những gì đã thực hiện ở nhiệm kỳ XII cho thấy không có vùng cấm, không có ngoại lệ nào. Tuy nhiên, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ và nhiều người thường ví, đây là cuộc chiến đấu với giặc nội xâm.
Tôi tin tưởng trong thời gian tới công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện bài bản, mạnh mẽ hơn với tinh thần vừa xây, vừa chống và BCH Trung ương khoá XIII sẽ có những giải pháp mới để thực hiện tốt nhất “bốn không” với tham nhũng”, ông Hùng bày tỏ.
Ông kỳ vọng lò chống tham nhũng tiếp tục toả sức nóng trong nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, củng cố niềm tin, mong mỏi của nhân dân.
Theo Tổ Quốc