Nguyên nhân Liên Xô chọn AK-47 và bán công nghệ súng trường SKS cho Trung Quốc
Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu bản sao của súng trường SKS và đặt tên cho chúng là “Type 56”.
Cả súng trường AK-47 và súng trường bán tự động SKS hay còn được gọi là CKC đều là những loại vũ khí được lựa chọn hàng đầu cho chiến tranh du kích và vẫn đang được sử dụng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới, dù đã có hơn 70 năm tuổi đời.
Vào cuối những năm 1940, quân đội Liên Xô đã tìm kiếm một loại vũ khí thế hệ mới có thể giúp các binh sỹ của họ bất khả chiến bại trong chiến đấu. Các kỹ sư đã đưa ra rất nhiều dự án để thay thế súng trường Mosin Nagants vốn đã lỗi thời trong quân đội.
Các cuộc thử nghiệm bắt đầu vào năm 1947 và những ứng viên nổi bật nhất, có tiềm năng trở thành vũ khí chính của binh sỹ Liên Xô trong nhiều thập kỷ là phiên bản cải tiến mới nhất của súng trường SKS và súng trường tấn công AK-47 thời kỳ đó.
Vadim Kozulin, giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự Nga cho biết: “Cả hai loại đều được thiết kế để trở thành vũ khí chính của binh sỹ Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tuy nhiên giới chỉ huy quân sự Liên Xô muốn trang bị cho quân đội các loại vũ khí hoàn toàn tự động đầu tiên, có buồng đạn sử dụng đạn súng trường, thay vì tiếp tục sử dụng súng cạc-bin (loại súng có nòng ngắn hơn súng trường)”.
Hai mẫu súng trường này khác nhau thế nào?
Theo ông Vadim Kozulin, SKS đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội hơn so với AK-47 trong các cuộc thử nghiệm vào cuối những năm 1940.
Thiết kế của súng trường SKS dường như là sự kết hợp giữa súng trường Mosin Nagant và AK-47. Đây là loại súng có nòng dài với hộp tiếp đạn gồm 10 viên có thể dễ dàng tháo rời (thiết kế này là sự cải tiến đáng kể so với súng trường Mosin Nagants của quân đội Liên Xô, được chế tạo từ thế kỷ 19) sử dụng đạn 7.62×39 mm. Đạn 7,62×39 mm là đạn cỡ trung, ra đời trên cơ sở nghiên cứu chiến trận cho thấy cự ly tác chiến phổ biến của bộ binh thời đó là từ 300m-700m.
“SKS là súng trường bán tự động thế hệ mới thời kỳ đó. Nó là vũ khí khá tốt và đáng tin cậy vào năm 1947 vì trước đó các kỹ sư đã có gần 7 năm để chế tạo loại vũ khí này cho các cuộc thử nghiệm trong quân đội”, ông Kozulin cho biết thêm. Đạn của SKS có tầm bắn hiệu quả ở cự ly 300m. Trong quá trình bắn, nó ổn định và chính xác hơn so với các loại đạn khác.
Tuy vậy, SKS có một số hạn chế nhất định khiến nó không được ưa chuộng bằng AK-47. Trước hết, đạn súng được nạp bằng tay hoặc bằng kẹp. Cả hai thao tác này đều không đáp ứng được các yêu cầu của những vũ khí trong thời đại mới.
“SKS có ít bộ phận lộ ra bên ngoài khiến bụi bẩn khó lọt vào bên trong khẩu súng, tránh gây hỏng hóc. Tuy nhiên, băng đạn với 10 viên đạn chỉ phù hợp với săn bắn chứ không phù hợp để chiến đấu chống lại kẻ thù có vũ khí có thể nhắm bắn ở khoảng cách từ 100 đến 200m”, ông Kozulin lưu ý.
Trong khi đó, AK-47 cũng sử dụng cùng loại đạn, nhưng lại có lợi thế hơn hẳn so với SKS khi được lắp băng đạn chứa 30 viên có thể tháo rời.
Ông Vladimir Onokoy, người đứng đầu Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự của Kalashnikov Concern cho rằng: “Tính năng này khiến AK-47 trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với SKS, mặc dù có một số hạn chế được ghi nhận trong các cuộc thử nghiệm vào cuối những năm 1940”.
Kalashnikov – cha đẻ súng trường AK-47, là một kỹ sư có triển vọng và rất được Bộ tổng tư lệnh ưu ái. Ý tưởng của ông về việc tạo ra một loại súng trường được sản xuất tại Liên Xô tương tự như súng trường tấn công StG 44 của Đức đã được hưởng ứng mạnh mẽ.
Ông đã dành nhiều thời gian và nguồn lực để hoàn thiện khẩu AK-47, nhằm biến nó trở thành một loại vũ khí đáng tin cậy và hiệu quả mà chúng ta biết ngày nay.
“Nhược điểm lớn nhất của AK-47 là gần như thiếu độ chính xác khi bắn. Ban đầu nó khá nặng và không thuận tiện khi sử dụng vì được tạo ra một cách vội vàng sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Nhưng phiên bản được giới thiệu vào năm 1959 đã xua tan mọi câu hỏi về tính ưu việt của AK-47 so với các đối thủ của nó”, ông Vladimir Onokoy giải thích.
Kết quả là AK-47 đã trở thành súng trường chủ lực của quân đội Liên Xô. Còn SKS cũng được sử dụng nhưng chủ yếu phục vụ cho các nghi thức trong Trung đoàn Kremlin (hay còn gọi là Trung đoàn Tổng thống là trung đoàn quân sự duy nhất được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho Điện Kremlin và Tổng thống ), cũng như trong các đơn vị biên phòng và dự bị.
Tương lai của SKS
Tuy nhiên, SKS lại là vũ khí mạnh mẽ, đáng tin cậy, dễ điều chỉnh, được các quân đội nước ngoài ưa chuộng.
Do SKS không được sử dụng phổ biến trong quân đội nên Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô đã đồng ý chia sẻ công nghệ chế tạo vũ khí này cho Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng, Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu bản sao của SKS và đặt tên cho chúng là “Type 56”.
Trong những năm 1950-1960, loại vũ khí này rất phù hợp với chủ trương quân sự của Trung Quốc vốn ưu tiên các loại súng trường cơ bản thiên về tấn công bắn tỉa và phục kích trong các cuộc giao tranh trực tiếp. Loại vũ khí này đặc biệt hữu ích cho quân đội Trung Quốc vì nó cho phép các binh sỹ dễ dàng di chuyển do không phải mang băng đạn cồng kềnh.
“Súng trường này hoàn toàn phù hợp với chiến tranh du kích. Nó chính xác hơn súng trường tấn công và có giá thành phải chăng hơn súng trường bắn tỉa. Đó là loại vũ khí đáng tin cậy, có thể sử dụng để phục kích trong các vùng đầm lầy hay các vùng cát”, ông Onokoy cho biết.
“SKS được các thợ săn ở Nga và Mỹ sử dụng rộng rãi, đồng thời nó cũng nằm trong tay các phiến quân ở Syria và Iraq vì những lý do tương tự”. /.
Khai Tâm