Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 là bao nhiêu?
Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, các nhà khoa học đã biết nguy cơ tái nhiễm Covid-19 là có thể xảy ra. Vậy nguy cơ tái nhiễm là bao nhiêu? Khi tái nhiễm, bệnh có nhẹ hơn không?
Để giúp quý độc giả hiểu hơn về nguy cơ tái nhiễm Covid-19, sau đây, chúng tôi xin được lược dịch bài viết của Paul Hunter, giáo sư y khoa của Đại học East Anglia. Ông là một trong những nhà khoa học cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một trong những ca tái nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là một người đàn ông Hồng Kông 33 tuổi. Anh này được chẩn đoán mắc bệnh vào ngày 26/3/2020 và tái nhiễm một biến thể khác sau 142 ngày.
Kể từ đó, các ca tái nhiễm được ghi nhận nhiều hơn, đặc biệt là từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Những nghiên cứu sơ bộ ở Nam Phi đã chỉ ra rằng nguy cơ tái nhiễm tăng nhanh và mạnh sau khi xuất hiện biến thể này.
Vậy tại sao số ca tái nhiễm lại tăng? Câu trả lời đơn giản là vì hệ miễn dịch của chúng ta không còn đủ khỏe để ngăn chặn sự lây nhiễm nữa. Điều này có thể là do sự xuất hiện của các biến thể mới như Omicron, có khả năng né miễn dịch. Một lý do khác có thể là hệ miễn dịch bị suy yếu dần sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine. Chúng ta đều biết rằng đây là vấn đề của khả năng miễn dịch trước Covid-19, do đó cần có thêm các liều vaccine tăng cường.
Virus corona chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua khoang mũi và khoang họng. Sức đề kháng của niêm mạc ở những khu vực này thường ngắn hơn so với sức đề kháng của toàn cơ thể. Điều này có thể lý giải tại sao khả năng ngăn ngừa bệnh nặng thì thường kéo dài hơn so với ngăn ngừa nhiễm virus.
Tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 là bao nhiêu?
Vương quốc Anh gần đây đã bắt đầu công bố dữ liệu về các ca tái nhiễm trong các thống kê về Covid. Anh xác định tái nhiễm là một ca tái dương tính với Covid sau 90 ngày kể từ lần nhiễm trước.
Tính đến 06/02/2022, đã có hơn 14.5 triệu ca nhiễm lần đầu và khoảng hơn 620.000 ca tái nhiễm ở Anh (England) – như vậy, cứ 24 ca nhiễm lần đầu thì có 1 ca tái nhiễm. Hơn 50% ca tái nhiễm được ghi nhận kể từ 01/12/2021, điều này một lần nữa chỉ ra rằng nguy cơ tái nhiễm tăng mạnh kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) cũng đã thống kê các ca tái nhiễm, nhưng với cách xác định khác. Theo đó, một người được coi là tái nhiễm chỉ khi đã âm tính với Covid trong vòng 120 ngày hoặc có 4 lần có kết quả kiểm tra PCR âm tính liên tiếp trước khi tái dương tính.
ONS cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tái nhiễm đã tăng gấp 15 lần kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Hiện tại, những ca tái nhiễm chiếm 10% tổng số ca bệnh ở Anh (England). Trong khi đó, hồi tháng 10/2021, số ca tái nhiễm chỉ chiếm 1% tổng số ca bệnh.
Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng số liệu này thấp hơn so với thực tế rất nhiều. Khoảng thời gian 90 ngày hay 120 ngày chắc chắn sẽ khiến chúng ta bỏ qua những ca tái nhiễm trong khoảng thời gian ngắn hơn. Do đó, rất nhiều ca tái nhiễm cũng có khả năng bị phân loại sai thành ca nhiễm lần đầu. Ngoài ra, nếu ca tái nhiễm có triệu chứng nhẹ thì khả năng cao là họ cũng không được chẩn đoán là mắc Covid.
Triệu chứng khi tái nhiễm có nhẹ hơn hay không?Người đã tiêm phòng nhiễm bệnh lần đầu thì sẽ ít nghiêm trọng hơn so với người chưa tiêm mà nhiễm lần đầu. Điều này lý giải tại sao những người đã tiêm vaccine có tỷ lệ nhập viện thấp hơn.
Vậy nên có thể cho rằng nhìn chung thì các ca tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với nhiễm lần đầu vì người bệnh đã có sẵn kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước. Thêm vào đó, nhiều người đã được tiêm chủng giữa các lần nhiễm bệnh nên hệ miễn dịch của họ cũng được tăng cường theo.
Và mặc dù khả năng bảo vệ trước nguy cơ nhiễm Covid đã bị suy yếu thì khả năng bảo vệ trước bệnh nặng và tử vong vẫn còn rất bền chặt. Vậy nên tái nhiễm Covid dường như sẽ có triệu chứng nhẹ hơn.
Tuy nhiên, liệu lần nhiễm thứ hai có nặng như lần nhiễm đầu tiên hay không thì còn phụ thuộc vào thời điểm bạn tái nhiễm. Ngoài ra, dữ liệu của ONS chỉ ra rằng tỷ lệ người tái nhiễm có ghi nhận triệu chứng còn phụ thuộc vào biến thể họ nhiễm ở lần tái nhiễm đó.
ONS ước tính rằng 20% ca tái nhiễm biến thể Alpha là có triệu chứng, 44% ca tái nhiễm biến thể Delta có triệu chứng và 46% ca tái nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng. Dữ liệu của ONS cũng thể hiện rằng những người tái nhiễm biến thể Alpha thường ít xuất hiện triệu chứng hơn so với lần đầu nhiễm biến thể. Trong khi đó, những ca tái nhiễm biến thể Delta thường có triệu chứng nhiều hơn so với lần đầu nhiễm bệnh. Với các ca tái nhiễm Omicron thì số ca có triệu chứng giữa người tái nhiễm và người nhiễm lần đầu là gần như tương đương.
Chúng ta đã biết rằng mức độ nghiêm trọng khi nhiễm Covid khác nhau giữa các biến thể. Tuy nhiên, vẫn rất khó để phân biệt mức độ nghiêm trọng là do sức mạnh của các biến thể khác nhau hay là do sức đề kháng khác nhau do người đó đã có tiền sử nhiễm bệnh và được tiêm vaccine.
Mặt khác, có những nghiên cứu trước đó lại ghi nhận những ca tái nhiễm có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Vậy nên dù các ca tái nhiễm có vẻ sẽ có triệu chứng nhẹ hơn thì chúng ta vẫn còn thiếu bằng chứng chắc chắn để khẳng định được điều này.
Tái nhiễm có giúp tăng cường hệ miễn dịch không?Câu trả lời gần như là có. Một lần nhiễm có hiệu quả chống lại biến thể Omicron tương đương với hai liều vaccine, vậy nên có thể cho rằng tái nhiễm Covid cũng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Nhưng hệ miễn dịch này vẫn không phải là có hiệu quả 100%. Đang có bằng chứng sơ bộ chỉ ra rằng có những người bị tái nhiễm nhiều lần. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì chúng ta cũng biết rằng các loại virus corona khác cứ vài năm lại gây ra các ca tái nhiễm.
Giáo sư Paul Hunter