+
Aa
-
like
comment

Người Cựu chiến binh hết lòng vì người nghèo

Hoài Bảo - 04/10/2020 19:06

Gần 10 năm nay, Cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Diên (62 tuổi) xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian, công sức để làm nhiều công việc thiện nguyện. Đó là xây dựng, thực hiện các quỹ cho người nghèo, xây dựng các mô hình giúp đỡ cho người nghèo như: quán cơm từ thiện, quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, bữa cơm cho bệnh nhân nghèo… để đem lại lợi ích cho cộng đồng.

CCB Phạm Văn Diên sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ tham gia Bộ đội địa phương bảo vệ chính quyền miền Nam. Năm 1986 ông xuất ngũ trở về tham gia chính quyền với các cương vị như Phó Chủ tịch UBND, Chủ Tịch UBND, Bí Thư- CTHĐND xã Hiệp Phước.

“Khi còn làm chính quyền địa phương tôi cảm nhận mọi người quanh mình còn nghèo khổ, nhất là người già và trẻ nhỏ, từ đó tôi đã có suy nghĩ sau này khi không còn làm chính quyền địa phương sẽ kiếm công việc làm, có thu nhập để có thể giúp mọi người xung quanh. Tôi muốn tự làm kinh tế để giúp đỡ mọi người chứ không nhờ vào những tấm lòng hảo tâm hay cần tài trợ”, ông chia sẻ.

Năm 2009, Hội đồng Giám định y khoa TP.HCM giám định ông mất 63,5% khả năng lao động, ông xin nghỉ chức vụ ở địa phương vì tình trạng sức khỏe. Sau thời gian dưỡng bệnh ông bắt đầu bắt tay vào những dự định đang còn dang dở, giúp đỡ bà con nhân dân nghèo trong địa bàn xã.

Đầu tiên, ông kiếm việc làm ông làm tại Trung tâm đào tạo lái xe Thành Công để có chi phí hoạt động. Được một thời gian, bệnh lại ùa đến ông xin nghỉ, khi khỏe lại ông chuyển sang làm Bí thư chi bộ Trung tâm đào tạo lái xe Đại Phúc. Sau đó, ông xin phép chính quyền địa phương mở một quán cơm, rộng 100 mét vuông ở một gốc của nhà Văn hóa xã. Mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 6 nấu hơn 200 suất cơm trưa miễn phí cho các em ở trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo và trường cấp 2 xã. Hơn 10 năm nay quán cơm là địa chỉ quen thuộc của các thế hệ học sinh nghèo.

Ông Tám ( thứ 5 từ trái vào) chụp ảnh lưu niệm ra mắt mô hình nấu cháo cho người già

Những ngày chủ nhật thứ 7 hằng tuần, ông tiếp tục chở gạo, thực phẩm về quán cơm từ thiện từ 3, 4 giờ sáng để các cô trong nhóm từ thiện nấu những xuất cơm từ thiện. Lần này không phải là cho các em cấp 1 cấp 2 mà là cho những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Phục hồi chức năng bại liệt Quận 8.

Đúng 7 giờ chuyến xe chở 400 suất cơm lăn bánh về bệnh viện, trong khi đó có một tình nguyện viên đã lên sẵn phát số và phiếu để người nhà bệnh nhân ra nhận. Khi đến bệnh viện nhìn thấy cảnh tượng bà con chờ sẵn, các cô, chú trong đội tình nguyện phát cơm từng lượt từng lượt dù thấm mệt nhưng họ vẫn vui vẻ.

Bà Nguyễn Thị Đào (Người nhà bệnh nhận ở BV PHCNBL) xúc động: “Ông nhà tôi nằm đây cũng được gần năm nay, cứ mỗi thứ 7 hoặc chủ nhật lại có chiếc xe, cô chú đến phát cơm, dù không biết họ là ai tên gì, chỉ biết là ông CCB ở Nhà Bè lên phát cơm, tôi rất cảm kích. Nhờ những bữa cơm này đã giúp đỡ một phần cho những người bệnh và gia đình như tôi, chúng tôi cảm ơn nhà từ thiện nhiều”.

Ông Tám Diên ( thứ 2 phải vào)  thăm hỏi tặng quà già đình nghèo

Ngoài ra, ông còn hỗ trợ chi phí học tập những năm qua cho hơn 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn xã, đến nay một số em đã ra trường và có việc làm ổn định. Năm 2019 ông bắt đầu triển khai mô hình nấu cháo dinh dưỡng cho các cụ già ở địa bàn xã, mỗi tháng một lần mời 100 cụ già ăn cháo dinh dưỡng tại nhà Văn hóa xã, tặng 100.000đ/người, 1 bao gạo, giúp các cụ vui vẻ, lạc quan hơn.

Không chỉ biết đến là người làm việc thiện, ông còn biết đến là người đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới. Năm 2015 ông được chính quyền xã vận động tham gia xây dựng nông thôn mới trong đó có tiêu chí xây dựng chợ. Trong khi các chợ tại địa bàn xã đã xuống cấp trầm trọng, ông được kêu gọi đầu tư nâng cấp, xây dựng lại 2 chợ tại địa bàn xã. Ông đã không chần chừ dồn hết vốn tích góp, kinh doanh của gia đình bấy lâu nay vạch kết hoạch và tiến hành làm ngay.

“Kinh tế ở địa phương còn khó khăn, nên tôi chỉ thu của bà con tiểu thương 8 ngàn đồng/ mét vuông/ ngày, tính ra khoảng 10 năm mới thu lại được vốn bỏ ra. Làm bản cam kết với tiểu thương nếu sau này không kinh doanh phải trả lại mặt bằng, chứ không được chuyển nhượng tự do để bà con trong khu vực kinh doanh chứ không lại bán lại cho các tiểu thương vùng khác. Nhằm nâng cao kinh tế, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế”, Ông cho biết.

Với những đóng góp tích cực của mình, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen về xây dựng nông thông mới và công tác thiện nguyện, Thành ủy TPHCM tặng 1 bằng khen về công tác thiện nguyện…

“Lúc đầu mới làm người ta cũng nói ra nói vào như: ông Tám “làm màu”, đạo đức giả này kia nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả. Làm từ thiện phải làm cho tới, đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác mà còn là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều kể cả khi tôi chết đi những mô hình giúp người nghèo sẽ đi về đâu sẽ làm như thế nào rồi” ông Tám Diên tâm sự.

Hoài Bảo 

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều