Nghị quyết khiến nhiều người phải rơi nước mắt…
Nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã khóc khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33…
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản không còn diễn ra những cảnh nhà đâu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất nữa, thay vào đó là không khí trầm lắng bao trùm thị trường. Càng về cuối năm 2022, thì những tiếng la thất thanh càng nhiều. Các doanh nghiệp nhỏ “ngộp” hết còn các “ông lớn” cũng đành tuyên bố đơn phương phá vỡ cam kết đồng hành với khách hàng, chấp nhận mang tiếng bội tín vì mất thanh khoản. Ông chủ một tập đoàn lớn tại TP.HCM cho biết từ quý 4/2022 đã không còn tiền trả lương vì hàng bán không được trong khi chạy vạy khắp nơi để lo tiền đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.
Đến năm 2023, thị trường bất động sản đã rơi vào khủng hoảng với số doanh nghiệp phá sản tăng 40%. Chưa dừng lại ở đó, thị trường xuất hiện hàng loạt tin đồn khiến người cần nhà hoang mang giữ chặt túi tiền. Không mua mới đã đành, ngay cả các dự án đang mua, không ít khách hàng cũng dừng thanh toán để nghe ngóng. Cái khó bó hết mọi con đường, thị trường bất động sản chưa bao giờ bế tắc đến thế. Mỗi một cuộc họp trôi qua không có giải pháp là thêm một lần lòng tin bị bào mỏng…
Trong bối cảnh ấy, xuất hiện 2 luồng ý kiến. Một thì cho rằng, nên có những biện pháp để giải cứu ngành bất động sản bởi nó sẽ liên quan rất lớn đến nền kinh tế. Ý kiến còn lại thì cho rằng, nên phải để ngành bất động sản phải tự tìm cách giải quyết, để những ông lớn đầu cơ tích trữ nhận bài học đắng. Khi đất sốt thì bán giá trên trời bỏ túi nghìn tỷ nay thất bát thì lại kêu giải cứu! Vậy những người dân mãi không mua được đất thì ai giải cứu họ.
Bản thân Chính phủ khi nhận định tại những buổi hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đều khẳng định rằng, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần cùng gỡ khó khăn cho bất động sản để cùng phát triển chứ “không ai giải cứu cho ai”. “Tinh thần ở đây là lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” – Thủ tướng đã nêu rõ.
Tuy nhiên, là người chịu trách nhiệm chính trong việc gỡ khó cho ngành bất động sản, Chính phủ đã quyết tâm gạt bỏ hết những rào cản để mỗi cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp được có cơ hội phát huy hết tinh thần hợp tác vì lợi ích chung. Và đó cũng là lý do Nghị quyết số 33, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững ra đời.
Nghị quyết đã đánh giá chính xác, “bắt đúng bệnh” của thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản. Đó là phải ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu giá cả, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Theo tinh thần Nghị quyết mới của Chính phủ, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ được tháo gỡ. Cụ thể, về vốn, doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường.
Đặc biệt, nghị quyết đã tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu và chung tay vào mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Giúp những người dân nghèo có cơ hội chạm tay vào căn hộ bạc tỷ với nguồn vốn ban đầu nhỏ. Từ đó, tạo động lực lớn để những thành phần lao động chính của đất nước có thêm động lực cống hiến và phấn đấu khi bản thân họ đã an cư lạc nghiệp.
Có thể nói, Nghị quyết 33 như nắng hạn gặp mưa rào, giúp giải quyết ổn thỏa hết mọi nhu cầu của xã hội. Chính phủ đã mở đường hy vọng các bộ bạn ngành ở dưới phải noi gương và quyết tâm thực hiện. Sự trây lì chậm trễ sẽ khiến một nghị quyết kịp thời trở nên xa vời trong quần chúng nhân dân!
Công Luân