+
Aa
-
like
comment

Nghèo thì được ngồi lên pháp luật sao?

22/01/2020 10:49

“Cái nắm tay hay cú đá đó không phải là để dành cho dân!” – Đó là tiêu đề một bài báo được đăng vào năm 2016, nói về sự việc một anh công an trấn áp một người bán hàng rong không chấp hành yêu cầu di dời tại TP HCM. Rồi sau đó, báo chí vào cuộc khóc thương cho anh bán hàng rong ấy, người dân thì quyên tiền ủng hộ, một số luật sư còn đến “gạ” anh bán hàng rong kiện anh công an đi, chi phí họ lo. Còn đồng chí công an thì bị đình chỉ, phải vào xin lỗi anh bán hàng rong. Nhưng câu chuyện sau đó thì chẳng mấy ai biết…

Người phụ nữ bán hàng rong cầm dao chống đối không chấp nhận về phường xử lý.

Sau đó một thời gian, anh bán hàng rong có tên là Phong, được đà lại tiếp tục sử dụng xe ba bánh tự chế bán trái cây lấn chiếm lòng lề đường. Cán bộ trật tự đô thị đến thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu Phong đưa xe về trụ sở để xử lý vi phạm hành chính nhưng anh ta không chấp hành mà bất ngờ điều khiển xe ba bánh tông thẳng vào người cán bộ khiến anh ấy bị kẹt vào xe ba bánh. Phong điều khiển xe đẩy anh cán bộ đi một đoạn hơn 100m trên đường. Nạn nhân hô hoán, Phong dùng chân đạp văng ra khỏi xe để dễ bề tẩu thoát. Sau vụ việc ấy, Phong lãnh án 2 năm tù.

Trước đó, dân mạng nghĩ rằng, do anh nghèo mới phải làm vậy, cán bộ giàu có rồi làm sao mà hiểu được cho dân. Nhưng sự thật tiếp diễn đằng sau đó mới khiến người ta rùng mình.

Tiếp tục, mới đây, ở Quảng Ninh lại xuất hiện một vụ việc tương tự như 4 năm về trước. Lần này không phải anh mà là một chị bán hàng rong bất chấp Chỉ thị cách ly của Thủ tướng, vẫn bán hàng rong trên phố. Trước khi bị tịch thu hàng hóa, bên chính quyền đã nhắc nhở chị nhiều rồi, nhẹ có, răn đe có, nhưng chị vẫn chứng nào tật nấy, vẫn bất chấp an nguy, an toàn của toàn thể xã hội để vi phạm Chỉ thị lẫn vi phạm pháp luật. Thậm chí, chị còn cầm dao và la lớn: “Đừng ai lấy của em, hôm trước đã lấy của em rồi”. Sau đó chị bị khống chế đưa về giải quyết, nữ Phó chủ tịch UBND phường Bãi Cháy nói trước khi xử lý: “Con này, mày có bị điên không?”.

Vậy mà chỉ cần chị nói chị nghèo, nhìn hoàn cảnh trong đoạn clip quay lại như vậy là nhận được bao la sự cảm thông của xã hội, cộng đồng mạng một lần nữa nói chính quyền Quảng Ninh áp bức dân lành, không thấu hiểu cho dân. Rồi một số kẻ cơ hội không biết từ đâu lại mò đến nhà chị bán rau sai quy định ấy để giở trò tặng quà, “khóc mướn” thay. Nhưng thử hỏi, bây giờ nếu chị ấy trở thành “trung gian” lây nhiễm, lây bệnh cho những người khác, thì công lao của hàng triệu người sẽ đi tong trong phút mốt, lệnh giãn cách sẽ tiếp tục, chưa biết bao giờ “mở cửa lại nền kinh tế”. Thiệt hại sẽ là vô cùng lớn. Chưa kể về sau không biết sẽ xuất hiện thêm bao nhiêu chị bán rau lòng lề đường nữa?

Mới đây, người phụ nữ vi phạm quy định này còn đòi chính quyền đến trả xe và rau tận nhà chứ không chịu lên phường làm việc. Đây không phải được nước lấn tới, coi thường luật pháp thì là gì nữa? Đã sai thì phải chấp nhận xử lý chứ nào có chuyện ra yêu sách này nọ. Chẳng lẽ cái nghèo lại đè lên luật pháp như vậy sao? Nhưng mà nghèo thật hay không thì không rõ vì thấy chị bán hàng rong có cả căn nhà 2 tầng.

Người phụ nữ buôn bán sai quy định còn ra yêu sách đòi chính quyền mang trả lại xe và rau tận nhà.

Việt Nam là một quốc gia khá kỳ lạ, gia có gia quy nhưng mà quốc pháp thì nhiều khi bị một số người chẳng coi ra gì. Ông bà có câu, “phép vua thua lệ làng” nhưng giờ đây có lẽ là “thua cái nghèo”. Nhắc nhở, răn đe và vẫn tái phạm, cưỡng chế thì bị chửi là “áp bức dân nghèo”, vậy thì chỉ còn quỳ xuống năn nỉ người vi phạm “thương cán bộ” mà đi về thôi.

Rồi một số tay nhà báo lại tiếp tục bênh cái nghèo, lại vùi dập nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Vì đơn giản, bênh cái “nghèo” thì có lượt view, lượt theo dõi, tạo được sự thương cảm trong người đọc. Đáng lẽ, báo chí cần phải đặt ra một câu hỏi: Tại sao lần thứ tư trong vòng 1 tuần bị nhắc nhở rồi mà vẫn tái phạm? Hay liệu chuẩn nghèo của Việt Nam có khi hơn cả G7 khi một gia đình có bình nóng lạnh, smart TV, điều hòa mà vẫn thuộc chuẩn nghèo?

Nhắc lại chuyện trong quá khứ, nhà báo viết dòng tiêu đề: “Cái nắm tay hay cú đá đó không phải là để dành cho dân!” có nhìn lại sau đó, chính anh bán hàng rong mà nhà báo ấy đã bênh, kéo lê và đạp ngã cán bộ hay không? Rồi mình nhớ đến vụ ông tài xế chở tôn nhưng không bịt đầu, rồi một cháu bé đâm vào khối tôn ấy và mất mạng. Và rồi, lại bài ca “nghèo”, “chẳng may” hoặc “vì miếng cơm manh áo”, thậm chí có người còn trách ngược lại gia đình cháu bé, rằng sao không tránh xe tôn ấy? Ôi! Chuyện đời bao giờ mới nói hết những trái ngang?

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều