+
Aa
-
like
comment

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

01/09/2020 14:20

Ngay từ năm 1941, khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng, to lớn của Mỹ đối với nền chính trị thế giới, cho nên đồng thời với xây dựng lực lượng cách mạng, Người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Mỹ.

Nhân dịp 75 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2020), PV có trao đổi với Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng) để tìm hiểu câu chuyện Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, góp phần đưa Cách mạng giành thắng lợi.

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh 1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS (Mỹ) tại Tân Trào tháng 8/1945 (ảnh tư liệu)

Chủ động đứng về phía Đồng Minh chống phát xít

Thưa Thiếu tướng, trong quá trình cách mạng, trước năm 1945, mặc dù Đảng CSVN chưa giành được chính quyền, đang hoạt động bí mật, nhưng chúng ta đã chủ động đứng về phía quân Đồng Minh để chống lại phát xít Nhật như thế nào?

Nhờ luôn chủ động xây dựng, tập dượt lực lượng, lại nhanh chóng chớp được thời cơ quốc tế thuận lợi, nên khi Chiến tranh giới thứ hai tới hồi kết thúc, thế giới còn đang hết sức chú ý đến sự kiện phát xít Đức, Nhật đầu hàng, thì Việt Nam ta đã làm cách mạng thành công.

Đảng ta rất sáng suốt, ngay từ năm 1940 đã tiên đoán chủ nghĩa phát xít sẽ bị đánh bại. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) đánh giá, tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng Minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít; nhân dân ta sẽ bước vào con đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa.

Nhờ chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ đến, Việt Nam đã giành được thắng lợi nhanh chóng và triệt để trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trở thành tấm gương của một dân tộc biết đấu tranh và giành được độc lập, không thể dựa vào đâu cả, biết lấy sức ta mà giải phóng cho ta.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến việc lãnh tụ Hồ Chí Minh và Việt Minh đã rất khôn khéo tranh thủ, tận dụng sự giúp đỡ của Đồng Minh trong tiến hành Cách mạng Tháng Tám, đã đứng về phía Đồng Minh để chống phát xít Nhật.

Ngay từ năm 1941,  khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng, to lớn của Mỹ đối với nền chính trị thế giới, cho nên đồng thời với xây dựng lực lượng cách mạng, Người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Mỹ, cụ thể là với lực lượng Mỹ đồn trú ở Trung Quốc.

Thời cơ xuất hiện, khi tháng 2/1945, máy bay do Trung úy phi công Mỹ là William Shaw điều khiển bị quân đội phát xít Nhật bắn rơi ở Cao Bằng. Viên phi công Mỹ được lực lượng Việt Minh cứu. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Đảng ta đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định để Người trực tiếp đưa viên phi công băng rừng sang trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam (Trung Quốc).

Chính chuyến đi này, Người thiết lập được mối quan hệ với Mỹ và các lực lượng Đồng Minh để giúp Việt Nam chống Nhật. Có thể nói, đây là điểm nổi bật trong ngoại giao của Đảng ta và Hồ Chí Minh, đứng hẳn về phía Đồng Minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít, chủ động quan hệ với Mỹ trong bối cảnh chúng ta chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào trên thế giới.

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh 2.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (ảnh Vnexpress).

Đối tác hợp tác đầu tiên của Quân đội ta

Khi Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN đứng về phía Đồng Minh trong chống phát xít Nhật, chúng ta cũng tìm được sự giúp đỡ của Mỹ để chuẩn bị giành chính quyền, thưa Thiếu tướng?

Như trên đã nói, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trực tiếp liên hệ với lực lượng Đồng Minh (đứng đầu là Mỹ) để đề nghị trợ giúp xây dựng đội quân vũ trang, trang bị, huấn luyện chiến thuật cho đội quân đó nhằm hỗ trợ cho lực lượng chính trị đấu tranh giành chính quyền.

Phía Mỹ không chỉ cảm kích trước việc một lãnh tụ Việt Minh vượt qua bao khó khăn, vất vả đưa viên phi công trở về đơn vị, xa hơn, người Mỹ nhận thấy đây là cơ hội để tiếp tục có mặt sâu rộng hơn ở Đông Dương, nơi mà đồng minh Pháp của họ đã bị Nhật lật đổ, Mỹ không còn nguồn tin tình báo quan trọng về động thái của quân Nhật tại chiến trường này. Đây chính là sự hợp tác đôi bên Mỹ – Việt cùng có lợi.

Vì vậy, Mỹ đã đồng ý hỗ trợ Việt Minh vũ khí, kỹ thuật, điện đài và huấn luyện quân sự để đổi lại việc Mặt trận Việt Minh cung cấp các thông tin về quân Nhật tại đây. Mỹ đã dùng máy bay vận tải đưa khí tài đến Tuyên Quang, cho toán sĩ quan tình báo Con Nai nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc, giúp Mặt trận Việt Minh huấn luyện đội quân vũ trang.

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh 4.
Những chiến sĩ của Việt Minh tập ném lựu đạn dưới sự hướng dẫn của Đội Con Nai (Mỹ) ở Tân Trào (ảnh tư liệu).

Đỉnh cao của sự hợp tác này là sự ra đời của đơn vị vũ trang hỗn hợp Việt – Mỹ, có thời điểm lên đến 200 người. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là đối tác hợp tác quốc tế đầu tiên của Quân đội ta, để cùng toàn dân giành chính quyền. Chính đơn vị này đã xuất phát hành quân về giải phóng thị xã Thái Nguyên ngày 17/8/1945 và theo lãnh tụ Hồ Chí Minh về Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 29/8/1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), chính lãnh tụ Hồ Chí Minh đã mời người nước ngoài duy nhất là Trưởng phòng Đông Dương thuộc cơ quan tình báo chiến lược OSS (Mỹ) ở Hoa Nam (Trung Quốc) Archimedes L.A.Patti tới nghe dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc Lập và góp ý với Người một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam, trực tiếp là việc tổ chức Lễ tuyên bố Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh 5.
Đội Con Nai (Mỹ) hướng dẫn Việt Minh sử dụng súng (ảnh tư liệu).

Biện pháp rất tế nhị của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thiếu tướng có suy nghĩ gì về cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một sỹ quan của Mỹ để góp ý về vấn đề mang tính nội bộ của ta?

Đây là biện pháp rất tế nhị, không chỉ nhằm tranh thủ sự ủng hộ Mỹ sau này, mà là để xử lý vấn đề rất nhạy cảm là tuyên bố độc lập thế nào trước quân Đồng Minh đang thắng thế như chẻ tre trên khắp các chiến trường. Đây cũng là cách thức Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện và khẳng định vai trò chủ nhân của Việt Nam – một đất nước vừa giành được chính quyền, sẵn sàng làm bạn, đứng ra đón tiếp quân Đồng Minh vào giải giáp quân phát xít khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thể hiện vị thế bình đẳng với các nước trên thế giới, ngay sau khi chúng ta giành chính quyền vài ngày; đồng thời cũng gián tiếp khẳng định với người Mỹ rằng, Việt Nam mong muốn độc lập, tự do và khi cần thiết, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mình.

Trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ” và chính L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn Độc lập.

Không phải ngẫu nhiên, những dòng đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích từ nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.  Sự kiện này chắc chắn sẽ được báo cáo lên người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của nước Mỹ cũng như của Đồng Minh.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, nhưng không được quốc gia nào trên thế giới công nhận. Để bảo vệ nền độc lập non trẻ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả, cần phải nhanh chóng tiến tới để Mỹ chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta”.

Trên tinh thần quan điểm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ Mỹ. Vì vậy, sau khi Chính phủ lâm thời từ Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu tiên dành thời gian tiếp xúc, trao đổi với các sỹ quan Mỹ như thiếu tá Thomas, thiếu tá Archimedes L.A.Patti… để nhờ các vị chuyển tới Tổng thống Harry S. Truman và các quan chức ngoại giao Mỹ mong muốn của Chính phủ Việt Nam được nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của Mỹ.

Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết thư gửi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, kêu gọi với tư cách là một cường quốc trên thế giới, Mỹ hãy ngăn chặn Pháp xâm lược nước Việt Nam mới, để dân tộc Việt Nam có cơ hội hưởng tự do và độc lập.

Tính đến cuối năm 1946, tức chỉ sau hơn 1 năm Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, đề nghị chính phủ Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế đất nước, tranh thủ mọi lực lượng bên ngoài, dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Nhưng có lẽ do cân nhắc mối quan hệ với đồng minh Pháp lâu đời và những vấn đề khác nên Tổng thống Harry Truman đã chọn giải pháp im lặng trước tình cảm nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nước Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, các nước lớn đang thể hiện vai trò, vị thế của mình, bài học tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt là nước có vị thế quan trọng như Mỹ càng có ý nghĩa trong bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông hiện nay, thưa Thiếu tướng?

Hiện nay đang diễn ra cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động mạnh mẽ tới khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt gây ra nhiều thách thức và cơ hội đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta trên Biển Đông.

Nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh 7.
Diễn biến trên Biển Đông có những phức tạp, khó lường (ảnh tàu sân bay của Mỹ trên Biển Đông- ảnh Ảnh: The Sun).

Trước thách thức và cơ hội ấy, Việt Nam cần quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cần bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của ta, bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không để tranh thủ sự đồng tình của quốc tế đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Việt Nam cần khai thác những cơ hội, nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cần tăng cường đấu tranh ngoại giao-pháp lý, phối hợp bảo vệ lợi ích trên biển của ta; đồng thời tham gia hợp tác, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các thể chế an ninh khu vực.

Cần phải tự mình mạnh lên, nhất là tăng cường nội lực, đồng thời tránh để bị cuốn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược sâu sắc giữa các cường quốc, nhất là không để bị đẩy lên tuyến đầu cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trên biển.

Xin cảm ơn Thiếu tướng (!).

(Theo DV)

Bài mới
Đọc nhiều