+
Aa
-
like
comment

Ngày trở về của những người con xa xứ

Bảo An - 30/04/2022 09:39

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối tháng tư là câu chuyện hòa hợp dân tộc lại được nhắc đến. Ngay từ năm 1975, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương ở tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đặt câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?” và trả lời: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.

Ngày 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam. Đây là dấu mốc đánh dấu việc thống nhất hai miền Bắc – Nam, kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, mở ra thời kỳ hoà bình, ổn định để phát triển.

Chiến tranh đã tàn phá và để lại những thiệt hại hết sức nặng nề cho đất nước. Đau đớn hơn, không ít người con máu đỏ da vàng đã chối từ đất mẹ, coi dân tộc mình như những người xa lạ. Chiến tranh đã qua đi, những vết thương đã dần lành sẹo, những người từng đứng bên kia chiến tuyến với Việt Nam cũng đã chuyển sang hợp tác cùng có lợi. Đáng giận thay, vẫn còn những kẻ lợi dụng nỗi đau này để cấu xé, đâm toạc những vết thương đã lên da non?

Cần phải thấy rõ, sau gần 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện về mọi mặt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những người con xa xứ trở về quê hương, Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Trong đó, có thể kể đến như: tạo điều kiện thuận lợi cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được trở về thăm quê hương, sinh sống, đầu tư, kinh doanh; tiến hành các chương trình hướng về cội nguồn; mở rộng tiếp xúc, kiên trì vận động những người còn giữ định kiến, mặc cảm với Tổ quốc…

Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp – Ảnh tư liệu

Nhiều người con xa xứ đã quay trở về với “quê cha, đất tổ”. Gạt bỏ mọi khúc mắc, mọi thù hằn, họ đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, sự kiện ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà về nước năm 2004 có thể coi là một dấu mốc lớn trong việc hoà hợp, hoà giải dân tộc sau chiến tranh. Sau gần 30 năm rời xa Tổ quốc, ông cũng xúc động chia sẻ rằng: “30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương. Tôi thật sự muốn về ở hẳn Việt Nam…. Đại đoàn kết dân tộc là chính sách đúng đắn của chính phủ Việt Nam, trong đó xem kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam”…

Một trường hợp rất nổi tiếng khác trên truyền thông là luật sự Hoàng Duy Hùng. Lớn lên tại Mỹ và được gieo rắc vào tâm trí quan điểm cho rằng “cộng sản Việt Nam là gian ác, phản bội tổ quốc”, đã có những thời điểm ông Hùng chống phá Việt Nam một cách gay gắt, quyết liệt, là thành viên của tổ chức chống phá ở hải ngoại. Tuy nhiên, khi trực tiếp chứng kiến tình hình đất nước, thâm nhập thực tế vào đời sống người Việt, tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, ông đã từ bỏ con đường chống cộng quay về với Tổ quốc.

Cùng với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, nhiều “người con xa xứ” đã thấu hiểu nỗi lòng đất mẹ. Ngày càng nhiều Việt kiều quay trở lại với quê hương, Tổ quốc. Dù vẫn còn những băn khoăn, lo lắng nhưng với mẫu số chung là lòng yêu nước, nhiều người Việt đã gạt bỏ những cảm xúc cá nhân để trở về đất nước.

Ngày 30/4 là một sự kiện lịch sử đã qua và có thể vùi lấp sau lớp bụi thời gian. Điều vĩnh viễn trường tồn là những bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Còn chúng ta đang đứng ở đâu để đối diện với ngày thống nhất này?

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều