+
Aa
-
like
comment

Ngáo mạng cũng nguy hại như ngáo đá

Phạm Khoa - 21/03/2023 09:00

Vài năm gần đây, câu chuyện những người nổi tiếng, các KOLs gây ồn ào mạng xã hội bằng cách bóc phốt, đấu tố, thậm chí nhục mạ, vu khống nhiều cá nhân, tổ chức…, có xu hướng tăng lên, với mức độ càng lúc càng nghiêm trọng. Những hành vi đó đã khiến mạng xã hội trở thành một nơi bát nháo, nhiều rác, ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt là trẻ vị thành niên.

Những nhân vật được nhắc đến trong một vụ drama gần đây trên mạng xã hội

Hơn tuần trước, Youtuber kiêm Tiktoker Bà Nhân Vlog gây náo loạn mạng xã hội với màn “bóc phốt” bác sĩ C.H.Thịnh, cho rằng ông “không có tâm” trong quá trình hỗ trợ cô tìm con bằng biện pháp thụ tinh ống nghiệm.

Vụ việc chỉ tạm lắng xuống khi cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ với những màn diễn sâu, và các phát ngôn thổi phồng sự thật của Bà Nhân Vlog, khiến KOL này phải tổ chức họp báo xin lỗi bác sĩ Thịnh và âm thầm về Nhật để xoa dịu dư luận.

Chuyện ồn ào như giọt nước tràn ly, khiến cộng đồng mạng ngao ngán trước thói háo danh, ngáo quyền lực mạng (gọi tắt là ngáo mạng) của một số KOLs, người nổi tiếng thời gian qua.

Theo một thống kê lấy mốc thời điểm tháng 09/2022, Việt Nam đã có 72,1 triệu người sử dụng Internet (chiếm 73,2% dân số), xếp thứ 12 trên toàn thế giới. Điều này lý giải tại sao người nổi tiếng, các KOLs, lại có tầm ảnh hưởng đến người dân, khiến cho nhiều câu chuyện ảo trên mạng xã hội sau một đêm bỗng trở thành một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống thực.

Khi nhận ra mỗi tấm ảnh hay một status ngắn gọn của mình có thể nhận lại hàng trăm ngàn lượt like, và tạo nên ảnh hưởng trong xã hội, nhiều người nổi tiếng, KOLs tự cho rằng mình có “quyền lực”, và có thể dùng “quyền lực” đó để dẫn dắt dư luận trong một số vấn đề riêng, đem lại lợi ích về vật chất, danh tiếng hoặc lợi thế tinh thần nào đó cho cá nhân.

Đặc biệt, từ khi mạng xã hội Tiktok xuất hiện, và trở thành trào lưu, thì làn sóng đấu tố, bóc phốt, lăng mạ cá nhân, tổ chức… có chiều hướng tăng chóng mặt. Một ví dụ với người nổi tiếng là P.L. Cô “hoa hậu doanh nhân” này nhiều năm qua luôn đem từ chuyện phòng the đến chuyện làm ăn, thậm chí chuyện ly hôn với chồng, chuyện thăm con, đòi tiền người quen… lên mạng để khoe. Bất cứ sự kiện đang là tiêu điểm nào cũng thấy cô này nhảy xổ vào, và nêu ý kiến, lạ là vẫn có không ít người thả “like” cho các phát ngôn thô tục, vô văn hóa của cô “hoa hậu”.

Với giới KOLs, bà giám đốc một công ty dược phẩm có tên H.T. Hường chắc không ai không biết, vì sự coi thường pháp luật của bà này. H.T.Hường livestream lúc nào cũng đưa sổ đỏ và tiền mặt để thu hút người xem; quảng cáo sai sự thật các sản phẩm chức năng, nâng khống giá sản phẩm lên vài chục lần; miệt thị, chê bai người khác; có mặt trong bất cứ sự kiện nóng sốt nào; từ chồng trẻ vợ già; đến con nuôi P.N; chửi luôn chính quyền địa phương một tỉnh miền Trung; kỳ thị người Thanh Hóa; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người dân bán hàng và làm dịch vụ cho thuê hoa ở Dốc Thẩm Mã, Hà Giang; gọi mèn mén là “cám lợn”…

Vẫn còn nhiều nhân vật cộm cán khác nữa, hàng ngày dùng cái miệng làm phương tiện xả rác trên mạng xã hội, sẵn sàng bất chấp sự thật, ăn sóng nói gió, hướng lái dư luận theo các mục đích riêng, tư lợi cho bản thân, đẩy xã hội vào sự bất ổn. Phần lớn số người này hoàn toàn không đem lại giá trị tốt đẹp nào cho xã hội, mà chỉ đơn thuần lợi dụng mạng xã hội để kiếm lợi, như bán hàng online, quảng cáo doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, Luật an ninh mạng thời gian tới nên siết chặt hơn với nhóm đối tượng người nổi tiếng, các KOLs có tiền sử làm content bẩn, gây nhiều scandal xấu cho xã hội. Cần thiết phải nâng mức phạt, cũng như thay đổi hình thức phạt khi đối tượng liên tiếp vi phạm, như xóa kênh vĩnh viễn, cấm livestream… Cũng cần có điều khoản khuyến khích người dùng mạng tố giác, tố cáo các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng với cơ quan chức năng.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều