+
Aa
-
like
comment

Ngành đường sắt được cấp vốn “giải cứu” nguy cơ dừng chạy tàu

27/02/2020 14:15

Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các Bộ ngành để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc với ngành đường sắt diễn ra vào ngày 24/2, Bộ GTVT công bố công khai số liệu giao dự toán chi hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước năm 2020.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam hơn 2.800 tỷ đồng trong số dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao cho hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 là 3.042 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong đó 2.800 tỷ đồng nêu trên tiếp tục phân bổ số dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên là hơn 2.500 tỷ, bao gồm chi phí bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt và chi phí quản lý dự án hoạt động bảo dưỡng thường xuyên.

nganh duong sat duoc cap von "giai cuu" nguy co dung chay tau hinh anh 1
Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn bảo trì hạ tầng.

Số dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên là hơn 247 tỷ, bao gồm chi phí sửa chữa định kỳ và đột xuất kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động kiểm định, các công tác khác và chi khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt do hậu quả bão lụt, sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt.

Ngoài số dự toán hơn 2.800 tỷ cho bảo trì đường sắt, số còn lại trong tổng dự toán 3.042 tỷ để giao chi các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch lập lại hành lang an toàn đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và dự phòng khắc phục bão lũ.

Trước đó, vào tháng 12/2019, Bộ GTVT đã có văn bản giao hơn 2.800 tỷ dự toán bảo trì đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, do những vướng mắc tại các quy định pháp luật nên đến nay, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt chưa thể tiến hành ký kết hợp đồng đặt hàng Tổng công ty thực hiện quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2020 Tổng công ty không được Bộ GTVT giao vốn dự toán ngân sách Nhà nước cho công tác bảo trì nên cũng không thể ký hợp đồng đặt hàng với các Công ty bảo trì như những năm trước. Qua đó, khiến cho các Công ty bảo trì đường sắt không có nguồn vốn để hoạt động, đặc biệt là nguồn vốn trả lương cho công nhân viên.

Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trên là do Tổng công ty đường sắt Việt Nam không trực thuộc Bộ GTVT nữa mà đã được giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…

Đáng chú ý, khi Tổng công ty đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban quản lý vốn lại chưa thiết kế được đồng bộ hành lang pháp lý, dẫn đến vướng mắc ngay. Đặc biệt là gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn, dự kiến ban đầu sẽ giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Tổng công ty đường sắt Việt Nam lại không được giao nữa vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, vốn bảo trì cũng chưa được quyết định.

Ngày 24/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc đối với ngành đường sắt thoát khỏi nguy cơ dừng chạy tàu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Minh Nhật/DV

Bài mới
Đọc nhiều