+
Aa
-
like
comment

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là hợp lý

16/09/2019 22:41

Đây là đánh giá của giới chuyên gia về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) thông báo giảm đồng loạt lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9/2019, bởi xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng cung tiền sẽ tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng bắt đầu giảm. Mức giảm 0,25 điểm phần trăm được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một mức nhỏ so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Và với khối lượng lưu thông của các ngân hàng thương mại qua kênh thị trường mở (OMO) hiện bằng 0 thì hành động giảm lãi suất từ phía nhà điều hành chưa thể hiện rõ.

Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI đánh giá, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm đảo ngược chính sách điều hành của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), các đợt nâng lãi suất chấm dứt và cơ quan này đã có lần hạ lãi suất (25bps) lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thêm trong phiên họp tuần này. Ở phía bên kia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng liên tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu 2019 đến nay), điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất và hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng với đó là một loạt những bất ổn tại các đầu tầu kinh tế khắp các châu lục như Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã là 93 đợt điều chỉnh giảm trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất.

Nhiều ý kiến cho rằng dù làn sóng hạ lãi suất lan rộng nhưng ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (SBV) vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá…) và cho đến nay, SBV đã điều hành khá thành công biến số này.

Theo đó, trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 9% (như KWR, SEK) nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-6% (như RUB, THB) so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD.

Các thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy rằng VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 nhưng mức tỷ giá mua vào của ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0.84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360VND/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD CNY vượt qua ngưỡng 7.0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8/2019; VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm và hiện ở mức thấp hơn cuối năm 2018 là 0.06%.

Theo các chuyên gia của SSI, hiện tại, ngoài những kinh nghiệm điều hành đã được tích lũy, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ góp phần ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Các thuận lợi này gồm, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn là 4 tháng đầu năm và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay và được SSI ước tính khoảng 70 tỷ USD. Thứ hai, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi. Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 3.43 tỷ USD, là mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây, lũy kế 8 tháng 2019, cán cân thương mại thặng dư 5.1 tỷ USD. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8 có 11.96 tỷ USD vốn FDI giải ngân ( 6.3%YoY); dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của VCB, VIC, VCM… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPB…; cán cân tổng thể thặng dư 9.1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019.

Cuối cùng, theo SSI, một số dòng vốn lớn có thể nhìn thấy sẽ về trong thời gian tới như khoản bán vốn của BIDV và mùa kiều hối cuối năm. Bên cạnh đó, chỉ số CPI đến tháng 8 tăng 1.87% Ytd và 2.57% YoY – khá thấp so với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2019 do Quốc hội đề ra. Bởi vậy, SBV có cơ sở để hướng các chính sách điều hành sang mục tiêu giảm lãi suất.

Có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của Việt Nam vẫn là 14% nên SBV vẫn đang điều hành cung tiền thận trọng. Cụ thể là ngày 16/9 SBV đã thông báo giảm đồng loạt 25bps các lãi suất điều hành. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng cung tiền sẽ tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản. Giá dầu tăng đột ngột và thương chiến Mỹ – Trung leo thang là 2 cảnh báo nhãn tiền để tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ.

(Theo Mai Ca/Công Thương)

Bài mới
Đọc nhiều