Ngăn chặn tha hóa quyền lực – vấn đề cốt tử để bảo vệ Đảng và chế độ ta (bài 2)
Những năm gần đây, sự tha hóa quyền lực không chỉ xảy ra trong một bộ phận cán bộ có chức quyền trong các cơ quan hành chính các cấp, mà nó còn “loang” ra nhiều lĩnh vực như thanh tra, tư pháp, giáo dục, y tế… khiến nền tảng pháp chế, văn hóa công vụ, đạo đức xã hội có nguy cơ bị xâm hại và gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Bài 1: Những biến tướng nguy hại của sự tha hóa quyền lực
Bài 2: “Vết dầu loang” tha hóa sang cả lĩnh vực uy nghiêm, cao quý
Bài 3: Ngọn nguồn của “con dốc” tha hóa quyền lực
Bài 4 (hết): Bài 4: Xử lý nghiêm vi phạm đi đôi với “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”
Bài 2: “Vết dầu loang” tha hóa sang cả lĩnh vực uy nghiêm, cao quý
Cầm cán công lý mà vẫn thực hiện “quyền lực đen”
Không thể xem thường khi sự tha hóa quyền lực đã lan sang cả một bộ phận cán bộ, công chức của cơ quan thanh tra, tư pháp vốn được coi là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng và Nhà nước, chốn uy nghiêm của thể chế, nơi thực thi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Vụ việc bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) cùng 3 cán bộ, chuyên viên của Thanh tra bộ này có hành vi nhũng nhiễu, tống tiền hàng trăm triệu đồng đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bị công an bắt quả tang vào giữa tháng 6-2019 là một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa quyền lực xảy ra ngay trong một bộ phận cán bộ, công chức của các cơ quan có chức năng bảo vệ sự liêm chính, uy danh của quyền lực nhà nước.
Trong 5 năm gần đây, hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến cán bộ ngành tòa án, kiểm sát đã bị khởi tố, đưa ra xét xử vì liên quan đến tội “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, mà thực chất là hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực tư pháp (có người ví đó là một thứ “quyền lực đen”) để vòi tiền các bị cáo. Dư luận khó lòng nguôi ngoai đối với những người được Nhà nước ủy quyền nhân danh công lý để góp phần bảo đảm công lý cho xã hội và người dân, nhưng đã “thả trôi” quyền lực thực thi công lý theo những đồng tiền “chạy án” để rồi tự họ lại trở thành đối tượng xét xử của tòa án. Đó là các đối tượng: Đặng Trường An, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Châu (Tây Ninh); Hà Văn Hưng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ea Kar (Đắc Lắc); Trương Thị Hoa, Thẩm phán, Phó chánh án Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar (Đắc Lắc); Bùi Thị Tú, Thẩm phán và Lê Việt Phương, Thư ký Tòa án Nhân dân thị xã Sơn Tây (Hà Nội); Trương Vi Văn, Thẩm phán Tòa án Nhân dân huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng)… Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã cách hết các chức vụ Đảng đối với ông Bùi Văn Dum, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Kim Bôi (Hòa Bình) do đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định pháp luật trong công tác xét xử và thi hành án dân sự.
Thực tế cho thấy, sự tha hóa quyền lực trong hoạt động tư pháp có thể gây ra những hệ lụy khôn lường cho thể chế, đất nước và xã hội. Vì sự tha hóa này đã vô hình trung tạo thêm cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động lấy cớ chống phá thể chế chính trị và chế độ nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, từ đó chúng ra sức hô hào, kêu gọi phải thực hiện cơ chế “tam quyền phân lập”, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp. Vì chúng cho rằng, khi đảng viên là thẩm phán, kiểm sát viên và giữ các chức danh trong ngành tòa án, kiểm sát thì “không có chuyện độc lập trong công tác điều tra, truy tố, xét xử”, và đây chính là nguyên nhân sâu xa của vấn nạn “ăn tiền để chạy án” cho các bị cáo, từ đó làm lung lay nền tảng công lý.
Dù đây chỉ là một luận điệu ngụy biện, xảo trá của các thế lực thù địch; nhưng khách quan mà nói, nếu một số cán bộ, nhân viên ngành tòa án, kiểm sát không bị tha hóa quyền lực rồi rơi vào vòng lao lý thì các đối tượng chống phá cách mạng Việt Nam cũng khó mà có cơ hội “khoét sâu” vào “gót chân A-sin” của một số người được trao uy quyền nắm giữ luật pháp và thực thi quyền công lý cho xã hội và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Sự tha hóa quyền lực của bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng đáng cảnh tỉnh. Nhưng đáng cảnh tỉnh nghiêm khắc hơn đối với những người được Nhà nước, nhân dân ủy quyền và giao trọng trách cầm cân nảy mực thực thi luật pháp nhưng vì lòng tham mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đạo đức, lợi dụng vị thế nghề nghiệp rồi “làm mòn” thanh bảo kiếm của Đảng, “bẻ cong” cán cân công lý Nhà nước, không làm tròn phận sự cao cả của người phụng công, thủ pháp”.
“Quyền lực bất minh” của những người gánh vác sứ mệnh cao quý
Khi nói đến môi trường giáo dục là nói đến môi trường văn hóa thiêng liêng, cao quý, mà theo lời một danh nhân, dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học. Còn nghề y cũng được coi là nghề nhân văn hàng đầu vì mang sứ mệnh trị bệnh cứu người, góp phần hồi sinh sự sống, bảo vệ sức khỏe con người.
Không thể phủ nhận những công lao, cống hiến của phần lớn đội ngũ nhà giáo và y sĩ, bác sĩ đối với đất nước, xã hội và cộng đồng trong những năm qua. Tuy vậy, cũng không nên nhìn lĩnh vực này với “lăng kính màu hồng”, vì đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, nhân viên trong ngành giáo dục và ngành y tế bị tha hóa quyền lực bởi sự cám dỗ, mê hoặc của những đồng tiền khuất tất, tiêu cực.
Cách đây hai năm, dư luận cả nước từng được phen “chấn động” bởi vụ gian lận thi cử nghiêm trọng xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại 3 tỉnh miền núi: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Cả 3 vụ việc này đều giống nhau ở chỗ, nhiều người có thẩm quyền ở các sở giáo dục và đào tạo, các hội đồng thi đã câu kết chặt chẽ với những cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi để tạo ra một “quyền lực bất minh” nhằm sửa chữa, nâng điểm cho hơn 200 thí sinh.
Hơn 30 cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đã phải đứng trước “vành móng ngựa” không chỉ là một “vết thương nhói lòng” trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam suốt hơn 7 thập niên qua, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với bất cứ ai mang danh nhà giáo nhưng lại tha hóa và đánh mất một thứ “quyền lực mềm” vô cùng cao quý, đó là quyền dạy dỗ, giáo dục con người trở thành công dân có tri thức, văn hóa, đạo đức và hữu ích cho xã hội.
Từ sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, giáo viên đã khiến hơn 170 cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị kỷ luật nghiêm khắc do có người thân liên quan đến những vi phạm trong việc gian lận thi cử này, trong đó có một số cán bộ cao cấp, gồm: Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La.
Không những vậy, nhiều hiệu trưởng của một số cơ sở giáo dục thời gian qua cũng bị kỷ luật, xử lý hình sự vì lợi dụng quyền hạn để thao túng, lạm dụng công quỹ để trục lợi. Gần đây, một vụ việc khiến dư luận xã hội phiền lòng là gần hết “dàn lãnh đạo” (gồm Hiệu trưởng, 2 hiệu phó và Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo) của Trường Đại học Đông Đô cùng bị khởi tố vì tội “mạo danh trong công tác”, mà thực chất là hành vi lạm dụng quyền lực để làm ăn bất chính trong hoạt động giáo dục. Đáng nói hơn, những người nắm giữ quyền lực ở cơ sở giáo dục này đều có trình độ học vấn cao, nhưng họ không giữ được tinh thần liêm chính của những nhà giáo dục, để cho quyền lực như “con ngựa bất kham” không cầm cương nổi rồi dẫn đến sa ngã, biến chất.
Ngoài lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực y tế cũng còn những “khoảng trống quyền lực” chưa được kiểm soát chặt chẽ, vì thế vẫn có một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế lạm dụng quyền được khám, chữa bệnh để gây phiền hà, vòi tiền của bệnh nhân.
Tháng 3-2019, 5 cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã bị công an bắt quả tang về hành vi trục lợi tiền của bệnh nhân. Cuối năm 2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã xét xử 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo khoa, bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vì những đối tượng này đã lập hồ sơ bệnh án khống, nâng khống số ngày điều trị để gian lận, tuồn thuốc bảo hiểm y tế bán ra ngoài trái quy định, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Vào thời điểm tháng 3-2020, bất chấp hoàn cảnh đất nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, Chính phủ chắt chiu từng đồng tiền để hỗ trợ người nghèo vượt khó, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 5 cán bộ cấp dưới vẫn lạm dụng quyền lực để bòn rút ngân sách nhà nước 4,7 tỷ đồng chỉ qua một vụ đấu thầu hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Cách đây ít ngày, ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc và ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã bị bắt giam vì liên quan đến vụ án nâng khống giá thiết bị y tế khiến hơn 500 ca bệnh phải “mất oan” số tiền rất lớn là 10 tỷ đồng. Khi gánh vác sứ mệnh “trị bệnh cứu người” mà lại mang tâm địa “ăn dày trên lưng người bệnh” một cách tinh vi như vậy thì chẳng khác nào một thứ “ung thư quyền lực” của một bộ phận người hành nghề y.
Đâu chỉ có hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh, một số cán bộ, nhân viên y tế đã câu kết, thông đồng với một số cán bộ, nhân viên ngành bảo hiểm xã hội để bòn rút tiền bảo hiểm y tế trái phép. Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn nhắc nhở các sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Đây là cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai mang danh thầy thuốc mà lại bị cuốn theo những đồng tiền bất minh làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh những người được ví như “mẹ hiền” cao cả!
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Không ngẫu nhiên Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ giáo dục và y tế là hai trong số 5 nhóm lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Những biểu hiện tham nhũng trong hai lĩnh vực này thực chất cũng là sự tha hóa quyền lực-tức là lạm dụng, lợi dụng vị thế, uy tín, danh tiếng của nghề thầy giáo, thầy thuốc-biểu tượng cao quý nhất của những nghề cao quý trong xã hội-của một bộ phận cán bộ, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế để trục lợi. Hệ lụy của sự tha hóa quyền lực trong hai lĩnh vực này khiến người dân bức xúc, vì nó đã làm vấy bẩn nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta và làm nền tảng văn hóa xã hội bị mai một”.
(Còn nữa)
THIỆN VĂN/QDND