Nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Khủng hoảng bất động sản khiến các chính quyền địa phương Trung Quốc nguy cơ vỡ nợ vì lạm dụng trái phiếu để đầu cơ đất đai, cơ sở hạ tầng nhưng không bán được.
Báo cáo tháng 10 của Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc xuống 4,4%, so với mức 4,8% trước đó. Theo Ngân hàng Thế giới, nợ xấu tăng cao và sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế thứ 2 thế giới là động lực chính cho sự thay đổi này.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, dù nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng đã khiến các lĩnh vực này phải gánh hàng núi nợ nần. Cũng theo Ngân hàng Thế giới, tổng tỷ lệ nợ phi tài chính trong nước trên GDP của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 132% năm 2007 lên 285% vào năm 2023.
Với những cải cách mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản, không ít nhà phát triển tư nhân bắt đầu vỡ nợ vào giữa năm 2021, dẫn đến nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang và các nhà cung cấp, chủ nợ không được thanh toán.
Giá nhà đất ở các thành phố nhỏ và vừa cũng đã giảm hơn 20% kể từ năm 2021, ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã yếu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu chính phủ
Theo Oxford Economics, khoản vay của Trung Quốc dành cho các nhà phát triển bất động sản tương đối nhỏ – chỉ hơn 5% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhỏ trong khu vực có nguy cơ gia tăng do mối liên hệ với lĩnh vực bất động sản cũng như các cơ quan tài trợ tài chính của Chính phủ địa phương Trung Quốc (LGFV).
LGFV là phương thức nửa công nửa tư, thường tồn tại dưới hình thức một công ty đầu tư phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng khác của địa phương. Doanh thu bán đất của các địa phương thường được sử dụng để hoàn trả các trái phiếu này. LGFV đã bắt đầu trở nên phổ biến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năm ngoái, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã sử dụng LGFV của họ để thúc đẩy giao dịch trên thị trường đất đai nhằm bù đắp cho sự sụt giảm trong hoạt động mua của các nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, điều này càng đẩy nợ chính quyền địa phương lên cao và khiến Bộ Tài chính phải ra tuyên bố chỉ đạo chính quyền các địa phương chấm dứt hành vi này, song nỗ lực không hoàn toàn hiệu quả.
Theo Rhodium Group, LGFV vẫn chiếm 50% lượng giao dịch mua đất vào năm 2022, so với 33% vào năm 2021 và 17% vào năm 2020.
Trước những lo ngại ngày càng tăng về rủi ro vỡ nợ của khoản nợ LGFV, chính phủ trung ương Trung Quốc cho biết cần phải giải quyết vấn đề này bằng “một giải pháp toàn diện”.
Nhận xét “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ” của Chủ tịch Tập Cận Bình là nguyên tắc chỉ đạo để kiềm chế thị trường bất động sản quá nóng kể từ năm 2016 và đã được nhắc đến nhiều lần trong các tuyên bố từ nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc.
Tuy nhiên, cụm từ trên đã bị loại bỏ trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 7. Thay vào đó, cơ quan tối cao này cho rằng cần phải thích ứng với “những thay đổi lớn” trong động lực cung cầu của thị trường bất động sản, bằng các biện pháp cụ thể của từng địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở tốt hơn của người dân.
Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng cam kết “hồi sinh tất cả các loại bất động sản không hoạt động”.
Kể từ tháng 8, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một loạt biện pháp nới lỏng. Mặc dù không có yếu tố nào đủ quyết định để xoay chuyển tình thế thị trường, nhưng vẫn có những dấu hiệu nhỏ về sự ổn định trong doanh số bán nhà ở một số thành phố lớn.
Wang Tao, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS có trụ sở tại Thụy Sỹ, cho biết các biện pháp nới lỏng cho đến nay phản ánh “sự thiếu đồng thuận và phối hợp trong chính phủ về quy mô hỗ trợ phù hợp cho lĩnh vực bất động sản”.
Tương lai vẫn là bất động sản
Thị trường bất động sản suy yếu đã làm gia tăng thâm hụt tài chính trong nước, điều này có thể hạn chế đầu tư và tăng trưởng GDP trong tương lai của Trung Quốc.
Triển vọng dài hạn của lĩnh vực này cũng có thể bị cản trở bởi sự suy giảm dân số và tốc độ đô thị hóa chậm lại, trong khi tỷ lệ sở hữu nhà và bất động sản tồn kho vốn đã cao.
Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa và là cựu cố vấn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho rằng “thời kỳ hoàng kim” của thị trường bất động sản đã qua nhưng vẫn sẽ là “trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia trong tương lai”.
“Xét cho cùng, có 65% dân số Trung Quốc đang sinh sống ở thành thị và ít nhất 20% trong số họ không sở hữu nhà riêng. Thị trường bất động sản vẫn rất quan trọng”, Li nói trong một cuộc phỏng vấn với Baidu News vào tháng trước.
Yao Yang, hiệu trưởng viện Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết bất động sản sẽ luôn là “ngành công nghiệp bình minh”.
Yao nói: “Khủng hoảng hiện tại chỉ là tạm thời và là kết quả của việc sử dụng các chính sách ngắn hạn để giải quyết các mục tiêu dài hạn. Nếu điều chỉnh chính sách được thực hiện kịp thời, kỳ vọng và niềm tin sẽ được khôi phục”.
Tại Việt Nam, Để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin TPDN, chứng chỉ quỹ của các TCTD đối với khách hàng/nhà đầu tư, NHNN yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại công văn số 7952/TTGSNH ngày 05/12/2019, công văn số 4148/NHNN-TTGSNH ngày 22/6/2022, công văn số 8302/NHNN-TTGSNH ngày 24/11/2022 và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác của NHNN về chấn chỉnh việc cung cấp các dịch vụ về TPDN.
Giữa bối cảnh của hệ lụy TPDN phát triển quá nóng như hiện nay, rủi ro đối với việc xác định hàng hóa an toàn và tuân thủ quy định có điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp (dù Nghị định 08 lùi thời hạn áp dụng) cũng chưa thật sự được tất cả nhà đầu tư nắm bắt rõ, việc NHNN yêu cầu TCTD không được gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng/nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ để đạt KPI được coi là đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng liên tục theo dõi, phát hiện những vi phạm liên quan đến trái phiếu vô cùng kịp thời nhằm lấy an toàn kinh tế của người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu.
Bảo Trâm