Năm đại dịch nhưng 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn thu hơn 820.000 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn cho biết năm 2021 vừa qua là năm hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trên thị trường, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều thị trường bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty mẹ trực thuộc Ủy ban vẫn ghi nhận kết quả tích cực. Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra mới đây.
Thu hơn 820.000 tỷ năm 2021
Cụ thể, tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ tại 19 tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn cho biết tổng doanh thu ước đạt 821.295 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch năm và tăng 8% so với năm 2020. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 34.179 tỷ, vượt 70% kế hoạch năm.
Tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty nộp vào ngân sách Nhà nước cũng là 62.443 tỷ đồng, cao hơn 27% so với kế hoạch cả năm.
Báo cáo chi tiết, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn cho biết có 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch doanh thu. Ngược lại, 6 doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh này là Tập đoàn Điện lực (EVN); Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines); Tổng công ty Cảng hàng không (ACV); Tổng công ty Đường sắt (VNR); Tổng công ty Cà phê (Vinacafe); Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2).
Bên cạnh đó, có 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch nộp ngân sách; 5 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch và năm 2020; 4 đơn vị nộp ngân sách cao hơn kế hoạch và năm 2020.
Trong nhóm 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020, lãnh đạo Ủy ban cho biết Tập đoàn Dầu khí (PVN) ghi nhận 40.698 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, cao hơn 139% kế hoạch năm và tăng 105% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ ước đạt 18.408 tỷ, cũng vượt 81% kế hoạch năm và tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tương tự, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) ghi nhận 2.869 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021, tăng tới 474% so với năm 2020 và vượt 204% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ Vinalines là 230 tỷ, trong khi năm liền trước lỗ 824 tỷ và kế hoạch năm 2020 chỉ là 1 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất (Vinachem), lợi nhuận trước thuế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là 193 tỷ và 1.726 tỷ đồng. Trong năm 2020, tập đoàn này ghi nhận mức lỗ hợp nhất lên tới 2.160 tỷ đồng và kế hoạch năm 2021 dự kiến lỗ tiếp 1.217 tỷ.
Với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm vừa qua là 3.820 tỷ, tăng 171% so với năm liền trước và vượt 14% kế hoạch năm. Trong đó, riêng lợi nhuận công ty mẹ là 1.860 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Dù vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban cho biết hoạt động quản lý vốn tại doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Trong đó bao gồm việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước chưa bảo đảm thời hạn theo quy định như báo cáo tài chính; phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2020; báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021…
Bên cạnh đó, việc quản lý cũng chưa phát huy vai trò trong việc điều hành, định hướng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh…
Nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế, tồn tại trên là do khối lượng công việc của Ủy ban rất lớn, lĩnh vực đa dạng, một số công việc tồn đọng kéo dài qua nhiều đời chính sách, quy định. Trong khi đó, số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa đủ theo định biên, việc thu hút cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm còn gặp khó khăn cả về cơ chế tuyển dụng và chế độ đãi ngộ.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn cũng cho biết hiện tại nhiều công việc sự vụ, thường xuyên thuộc trách nhiệm giải quyết của Ủy ban nhưng vẫn phải xin ý kiến các Bộ, ngành, nhiều trường hợp các Bộ, ngành trả lời chậm nên thời gian kéo dài.
Lãnh đạo Ủy ban cũng cho biết thêm trong năm vừa qua vẫn còn đơn vị chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là các báo cáo tài chính và giám sát tài chính. Quá trình thực hiện cổ phần hóa mất thêm nhiều thời gian để tiến hành rà soát, xử lý tài sản công và một số tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước.
Từ phía các tập đoàn, tổng công ty, năm 2021 vẫn có một số doanh nghiệp chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao; một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của hầu hết tập đoàn, tổng công ty đều thấp hơn so với kế hoạch do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán các dự án để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới kết quả chung.
Quang Anh