+
Aa
-
like
comment

Muốn giá điện giảm phải đa dạng nguồn cung cấp

Đỗ Mạnh - 23/01/2020 10:00

Nhớ lại những năm 90 của thế kỉ trước, thời kỳ được xem là rất hào sảng và tự hào về sự phát triển vượt bậc của ngành Viễn thông Việt Nam. Thời điểm đó, trên khắp đất nước, nhà nhà lắp điện thoại, người người dùng điện thoại. Với nhu cầu cao như thế thì đương nhiên thời đó để được dùng điện thoại cố định trong nhà thì khách hàng đã phải trả cái giá lắp đặt khá cao.

Giá điện đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của người dân, đặc biệt thời điểm cả nước đang chịu đợt nắng nóng.

Ở Hà Nội vào những năm 90, những nhà muốn lắp điện thoại đều phải làm đơn có xác nhận của phường, xã và phải nộp tiền đặt cọc khoảng 3,5 triệu và phải chờ đợi lắp đặt. Nhà nào nhanh cũng phải mất 1 tháng mới có điện thoại để dùng. Tiền cước không được tính như bây giờ là gọi bao nhiêu tính tiền từng đó mà cước tính theo khoảng, Nghĩa là người ta quy định tiền cước theo khoảng thời gian khách hàng gọi . Ví dụ như khách hàng gọi trong khoảng từ 1-5 phút phải trả một loại giá, chỉ cần khách gọi lố sang khoảng tính cước khác ví dụ như mức từ 5-10 phút khách hàng sẽ phải chịu một giá cước khác, giống như cách tính cước mà Tổng công ty Điện lực đang áp dụng cho khách hàng hiện nay. Và với cách tính như thế sự thiệt thòi luôn thuộc về khách hàng.

Vấn đề cước Viễn thông thời gian sau đó được cải thiện một cách đáng đáng kinh ngạc, khi hàng loạt các công ty Viễn thông khác nhau lần lượt được Chính phủ cho phép đi vào hoạt động nhằm cạnh tranh với VNPT như:  Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), Sài Gòn Postel,.. Có nhiều mạng khách hàng thoải mái lựa chọn. Khi thị phần bắt đầu có sự phân chia, các nhà mạng thi nhau giảm giá và quy định lại cách tính cước để “giành giật” khách hàng. Lợi thế lúc này rõ ràng đã nghiêng hẳn về phía khách hàng và khách hàng lúc này mới trở thành thượng đế đúng nghĩa. Giá viễn thông giảm kèm theo đó là số lượng thuê bao tăng lên một cách đột biến. Các thủ tục lắp đặt cũng đơn giản một cách tối giản có thể. Nhờ sự cạnh tranh của các nhà mạng mà chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, từ chỗ điện thoại chỉ dùng cho các quan chức thì giờ đây Việt Nam đã có hàng chục triệu thuê bao. Nhà nhà có điện thoại, người người dùng điện thoại, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mạng lưới viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới.

Với điện lực bây giờ thì sao? Mấy tháng gần đây, dù mùa hè mới bước vào độ một tháng nhưng người dân Hà Nội và các hộ dân khác trên toàn quốc đang phải trả giá điện với một mức giá tạm gọi “cắt cổ”. Giá điện được tính theo nhiều mức theo quy định với thang bậc bất lợi cho khách hàng. Nhà nào, doanh nghiệp nào càng sử dụng nhiều càng phải trả nhiều tiền. Cách tính giá điện như hiện nay đang đi ngược lại với cách mà thị trường đối xử với khách hàng, nghĩa là khách càng mua nhiều, sử dụng nhiều lẽ ra phải được hưởng giá ưu đãi và được hưởng nhiều sự khuyến mại khác. Ai cũng biết đầu tư cho hạ tầng điện là cần rất nhiều vốn và ngành điện đang là ngành do nhà nước độc quyền quản lý. Trong khi điện là loại hàng hóa đặc biệt nên những công ty được nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp điện vì thế cũng có thái độ độc quyền trong cung cấp dịch vụ. Sự thiếu cạnh tranh trong bán và cung cấp điện đã tạo nên một sự độc quyền vô cảm không hề nhỏ trong quản lí bán điện, kiểu đắt không dùng thì thôi.

Hiện tại, Tập đoàn điện lực EVN đang giữ vai trò độc quyền cung cấp điện cả nước.

Rõ ràng sự độc quyền của ngành điện đã mang đến rất nhiều sự vô lý trong cách tính tiền điện. Tình trạng này giống hệt như cách tính cước và độc quyền trong kinh doanh viễn thông trong thời gian trước đây. Nó chỉ được giải quyết và mang lại lợi ích cho khách hàng khi trên thị trường có sự cạnh tranh. Chắc hẳn mọi người còn nhớ mấy năm trước, ngành điện liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá điện trong khi đó Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng ngành điện đã bỏ ra hàng ngàn tỷ để đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông. Trong bối cảnh như vậy, thử hỏi khách hàng liệu có ai không nghĩ là việc liên tục đòi tăng giá điện là để bù lỗ cho những mất mát khi mà ngành điện đã bỏ ra để kinh doanh viễn thông?

Một điều nữa là hiện nay chúng ta đang sống trong thời kỹ thuật số máy móc hoàn toàn có thể thay thế con người để thực hiện những công việc tự động để đo đếm lượng điện năng khách hàng tiêu thụ, trong khi đó ngành điện vẫn dậm chân tại chỗ trong việc việc quản lý, vẫn phải nuôi một đội ngũ không hề nhỏ nhân viên đi ghi số công tơ một cách thủ công. Mặt khác luôn làm giá và khó khăn với các doanh nghiêp tạo ra nguồn điện khác do tư nhân đầu tư như điện gió, điện mặt trời trong việc hòa mạng và bán điện trên hệ thống điện lưới quốc gia. Liệu có vì những sự yếu kém đó mà giá điện của Việt Nam luôn cao hơn giá điện so với các nước trong khu vực? Để kệ dân kêu cứ kêu, tiền điện thích tăng thì cứ tăng. Lời giải thích năm nào cũng giống năm nào của Tổng công ty điện lực Việt Nam nghe ra rất thiếu thuyết phục. Ngày 14/6, đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết theo quy luật thời tiết hằng năm, tháng 5 và tháng 6 là thời điểm khu vực miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, bước vào cao điểm mùa Hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao kéo theo tiền điện cũng cao hơn tháng trước đó. Theo quy luật thì đúng như vậy nhưng thực tế trong tháng 5 năm nay, Hà Nội chỉ hứng chịu đúng 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (vào ngày 20 và 21/5) nhưng theo báo cáo thì lượng điện tiêu thụ trung bình đã lên mức 62,6 triệu KWh/ngày, tăng 45% so với tháng Tư (42,99 triệu kWh/ngày).

Với giá điện như hiện nay, khách hàng đòi hỏi nhà nước cần sớm tạo ra sự cạnh tranh trong ngành điện để mang lại lợi thế cho khách hàng. Sự nuông chiều trong quản lí điện của nhà nước rõ ràng đang mang đến sự thiếu minh bạch trong cung cấp và bán điện. Còn trong điều kiện nếu nhà nước tiếp tục muốn giữ thế độc quyền như hiện nay thì nhà nước cũng nên thành lập công ty hạ tầng chuyên xây dựng nhà máy và cung cấp nguồn. Bên dưới là các công ty trực tiếp bán điện cho khách hàng. Việc cùng một lúc có nhiều công ty bán điện sẽ tạo sự cạnh tranh có lợi hơn cho khách hàng và cũng là động lực buộc các công ty phải luôn cải tiến cách quản lý, thực hành tiết kiệm để tạo ra giá cạnh tranh giành thị trường một cách lành mạnh.

Vì vậy để minh bạch giá điện, tôi hoàn toàn đồng ý và nhất trí cao với ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Cơ quan này sẽ làm việc với EVN, nếu có dấu hiệu bất thường trong cách tính giá điện, ghi chỉ số công tơ thì có thể đề nghị một số đơn vị chức năng khác như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh để can thiệp. Năm 2019 mặc dù Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra việc minh bạch giá điện song không hiểu lí do gì mà việc thông báo kết quả thanh tra diễn ra rất chậm. Theo dự kiến kết quả thanh tra phải được công bố sau 45 ngày công bố quyết định thanh tra  thanh tra (quyết định thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 24.5.2019, theo yêu cầu của Thủ tướng). Nhưng khi đến thời hạn trên Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố mà đề nghị lùi thời hạn công bố kết quả thanh tra giá điện đến quý III.2019, đề nghị này dù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Song đến nay đã là quý II/2020, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết quả thanh tra. Như vậy, theo thời hạn này thì thời điểm công bố kết quả kiểm tra giá điện chậm gần 1 năm so với yêu cầu trước đây của Thủ tướng. Đây rõ ràng là một uẩn khúc mà dân có quyền nghi ngờ Tổng công ty điện lực và cả Thanh tra chính phủ. Nhiều người cho rằng giá điện là vấn đề nhạy cảm nên cần làm thận trọng và công tâm, song không thể vì cứ vin vào lý do này mà tiếp tục chậm trễ, nhất là việc công bố kết quả thanh tra mà đông đảo nhân dân đang chờ đợi và muốn được lắng nghe.

Rõ ràng là còn độc quyền thì giá tiền điện sẽ còn những bất cập, còn những nhũng nhiễu khó hiểu trong các cơ quan quản lý ngành điện. Người dân cho rằng chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới tạo ra động lực để phát triển cho ngành điện và cho đất nước. Nhân dân hi vọng sự đi lên và bứt phá của ngành viễn thông Việt Nam sẽ là bài học đắt giá giúp điện lực Việt Nam và các cơ quan quản lí điện đổi mới tư duy thay đổi phương thức quản lý để đưa đất nước phát triển, nhân dân được hưởng những dịch vụ tốt nhất, giá thành rẻ nhất.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều