‘Muốn đột phá, phải có những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm’
“Để có những đột phá trong phát triển, phải có những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ.
Bên lề Đại hội đại biểu biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều đại biểu bày tỏ kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ khóa mới cũng như cơ chế cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Cơ chế bảo vệ cán bộ
Chia sẻ với PV, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, sau Đại hội XIII, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Ông Hưng sinh năm 1971, là một trong 27 bí thư cấp tỉnh thuộc thế hệ 7X vừa được bầu tại đại hội đảng bộ các cấp.
Để làm được như vậy, phải có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Và một điểm mới được đề cập tại đại hội lần này, đó là cán bộ dám nói, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
“Đây là vấn đề rất mới về mặt lý luận. Thực tiễn, để có những đột phá trong phát triển, phải có những cán bộ như vậy. Đương nhiên để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông cho biết hiện nay Trung ương, Bộ Chính trị đang chỉ đạo có một quy chế về vấn đề này, chắc chắn tới đây sẽ được thông qua.
Để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng
Song, để thực hiện được chính sách này, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa góp ý phải có đánh giá cán bộ thật sát sao, chặt chẽ để nhận biết những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Từ đó, có chính sách bảo vệ những cán bộ ấy. Còn với người dám làm nhưng làm sai thì chắc chắn không thể bảo vệ.
Trong việc đánh giá cán bộ, Bí thư Thanh Hóa khẳng định chúng ta đã có quy định, quy chế và qua các đánh giá của tập thể, nhân dân.
“Đánh giá cán bộ là công việc của tập thể, trước hết là người đứng đầu. Thực hiện đúng nguyên tắc, chắc chắn sẽ phân biệt cán bộ nào làm vì lợi ích chung hay lợi ích cá nhân”, ông Hưng chia sẻ.
Chung góc nhìn, đại biểu Bùi Văn Nghiên (Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long) nhấn mạnh “cán bộ là cái gốc của sự phát triển”.
Ông đánh giá cao việc văn kiện Đại hội XIII quan tâm, xác định cán bộ là công tác then chốt trong sự phát triển, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra.
Ông cũng kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo khóa mới sẽ là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
“Công việc muốn tốt hơn, thông suốt hơn thì từng cán bộ phải tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ. Các đơn vị, tổ chức phải rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ kế cận thường xuyên để có hướng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ cán bộ, không để xảy ra vi phạm”, ông góp ý.
Bên cạnh đó, ông Nghiên cho rằng cần thực hiện nghiêm túc quy trình giới thiệu cán bộ từng cấp, đảm bảo đúng quy trình, quy định, trình độ, năng lực chuyên môn công tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh việc bầu đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước là nhiệm vụ rất quan trọng tại Đại hội XIII.
Với cách làm bài bản, chặt chẽ, ông tin tưởng đại hội sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất vào đội ngũ lãnh đạo cao cấp, dẫn dắt đưa đất nước lên một tầm cao mới.
“Trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn đặt ra yêu cầu cần đội ngũ lãnh đạo mới có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài và phải có bản lĩnh chính trị vững vàng”, ông Thành nhấn mạnh.
Phát huy kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Về khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Hà Thị Hương (Bí thư huyện ủy Quan Hóa, Thanh Hóa) kỳ vọng sau thành công của Đại hội XIII sẽ có những quyết sách, chính sách đặc thù quan tâm đến đời sống của người dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn đặt ra yêu cầu cần đội ngũ lãnh đạo mới có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài và phải có bản lĩnh chính trị vững vàng
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành
Nữ đại biểu cũng mong muốn qua đại hội, người ưu tú sẽ được lựa chọn làm lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.
“Tôi kỳ vọng có nhiều nữ lãnh đạo sẽ được tham gia vào bộ máy của Đảng và Nhà nước, cùng với đó, đại hội sẽ quan tâm hơn đến đời sống giải quyết việc làm cho phụ nữ và coi trọng vấn đề về bình đẳng giới”, bà Hương nói.
Trong khi đó, đại biểu Cao Tường Huy (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh) ấn tượng với những kết quả đạt được trong công tác PCTN nhiệm kỳ qua.
Theo ông Huy, việc nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh đã tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Điều này cho phép chúng ta kỳ vọng nhiệm kỳ tới, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh”, ông Huy nói.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) đặt niềm tin từ sự chặt chẽ, bài bản, thận trọng trong xây dựng Báo cáo chính trị, việc thực hiện công tác nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương sẽ đặt trong khuôn khổ khoa học và đủ tầm.
“Như khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại đại hội, chưa khi nào đất nước phát triển như bây giờ. Cũng chưa lúc nào đội ngũ lãnh đạo đất nước ở thời điểm hết sức rạng rỡ như thế này, được thừa hưởng kinh nghiệm, đồng thời thể hiện được sự năng động. Tôi tin rằng Ban Chấp hành Trung ương khoá mới sẽ tiếp tục đưa đất nước tiếp tục chặng đường phát triển mới”, ông Khuê tin tưởng.
Theo ông, văn kiện trình Đại hội XIII nhận định đất nước bên cạnh thời cơ, vận hội cũng đang đứng trước những thách thức, khó khăn. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm, tài năng của đội ngũ lãnh đạo khoá mới trong việc chèo lái, tiếp tục đưa đất nước phát triển.
Ông cũng kỳ vọng nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục phát huy kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
PV