Một số chiến công trong đấu tranh chống phản động của lực lượng Công an nhân dân (phần 2)
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân, làm lòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gin trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế đội và bảo vệ quần chúng nhân dân. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của cả nước. Trong đó, với vai trò là lực lượng lòng cốt đấu tranh với các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, lực lượng Công an nhân dân đã đánh thắng nhiều chuyên án, dập tắt âm mưu và hoạt động của các cá nhân, tổ chức chống đối, giữ vững an ninh quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Từ khi thống nhất đất nước đến nay, lực lượng Công an nhân dân luôn nỗ lực, cố gắng, chủ động đấu tranh, làm thất bại các hoạt động chiến tranh xâm nhập, chống phá, bạo loạn lật đổ của các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước. Trong đó, một số chiến công lớn, thể hiện đậm nét dấu ấn của lực lượng an ninh nhân dân là:
Đấu tranh với hoạt động chiến tranh xâm nhập của tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” – Chuyên án CM12.
Không cam chịu thất bại sau năm 1975, Mỹ – Nguỵ đã xây một kế hoạch hậu chiến bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế; kích động người Việt Nam di tản, tập hợp lực lượng chống phá lâu dài. Tuyển chọn huấn luyện gián điệp cài cắm vào nội bộ ta, chu cấp tiền bạc, chỉ đạo hậu thuẫn các thế lực thù địch trong nước tổ chức gây dựng, hình thành những lực lượng phản động mới. Tập hợp số tay sai cũ có nợ máu, tuyển mộ các đối tượng người Việt lưu vong để nuôi dưỡng, huấn luyện vũ trang xâm nhập đánh về Việt Nam, tìm cách móc nối với bọn phản động cũ không chịu cải tạo hoàn lương, hòng thực hiện kế sách “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” để lật đổ chính quyền.
Chuẩn bị cho kế hoạch này, chúng đặt đại bản doanh ở Thái Lan, xây hai mật cứ mang tên Tự Thắng, Quyết Tiến khá quy mô, đủ sức huấn luyện thao diễn, thực tập và hành quân. Tại hai nơi này, chúng mở các khóa huấn luyện đào tạo, biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn có trang bị vũ khí, điện đài, quân trang, quân dụng, tiền Việt Nam giả…
Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh từng làm gián điệp cho Pháp, Mỹ và sống lưu vong ở Pháp. Sau ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, với bản chất chống phá cách mạng sẵn có, Túy và Hạnh tiếp tục ở lại miền Nam móc nối với các tổ chức phản động và các cơ sở được cài cắm theo “Kế hoạch hậu chiến” nhằm phối hợp “trong”, “ngoài”, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.
Tháng 7-1975, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh sang Pháp, đứng ra thành lập tổ chức phản động gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”, do Túy, Hạnh làm “đồng chủ tịch”. Năm 1979, tổ chức phản động của Túy và Hạnh được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất và tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở gọi là “Tổng hành dinh”, có sự liên lạc chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và các căn cứ, các lực lượng phản động trong nước, lập hai mật cứ có tên “Tự thắng” và “Quyết tiến”, đủ sức huấn luyện, thao diễn và làm doanh trại. Đội tàu của chúng gồm 4 chiếc, dùng để đưa bọn gián điệp biệt kích cùng với phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước.
Cuối năm 1980, Túy và Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ, qua Campuchia vào tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích mang mật danh “Minh Vương I” này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên đã bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác. Từ thời điểm này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh. Kế hoạch CM 12 ra đời.
Chiều 15-5-1981, trinh sát kỹ thuật phát hiện làn sóng lạ ở bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải được huy động cùng với lực lượng an ninh, phối hợp với lực lượng quân đội tổ chức truy lùng biệt kích. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng bắt gọn toán xâm nhập gồm 8 tên, diệt 1 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm. Đây là toán xâm nhập mở đầu cho một “Kế hoạch lớn” của Túy và Hạnh cùng bọn phản động quốc tế. Một số trinh sát của ta đã thâm nhập vào các tổ chức của địch, với các vai diễn là “đặc phái viên” và “cơ sở” của chúng trong “quốc nội”.
Mọi hoạt động của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” từ đây đều đặt dưới sự điều khiển, kiểm soát của cơ quan An ninh Việt Nam.
Từ ngày 9-9-1981 đến ngày 9-9-1984, địch xâm nhập 17 chuyến bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời. Mỗi chuyến xâm nhập đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích và đều thực hiện đúng ý đồ, đúng địa điểm do ta chuẩn bị trước. Trong đó Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra “kho tàng”, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng.
Sau khi câu nhử hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, lực lượng an ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM 12 bằng trận đánh cuối cùng đúng vào đêm 9-9-1984 tại Hòn Đá Bạc.
Đêm 9-9-1984, với chuyến xâm nhập thứ 17 do Mai Văn Hạnh cầm đầu cùng 5 tên gián điệp biệt kích, chuyên chở 10 tấn vũ khí từ nước ngoài về điểm tập kết tại Hòn Đá Bạc, Ban Chuyên án CM 12 quyết định kết thúc kế hoạch phản gián CM 12. Chuyên án của lực lượng An ninh Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng trọn vẹn, đập tan mưu đồ phá hoại của bọn phản động; bắt gọn tên Mai Văn Hạnh, 1 trong 2 thủ lĩnh cầm đầu của tổ chức phản động người Việt lưu vong với danh xưng là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.
Đấu tranh chống phản động Việt Tân – Chuyên án HM26
Mặc dù Hoàng Cơ Minh cùng những kẻ cầm đầu cốt cán hoặc đã chết, hoặc đã bị bắt, nhưng số Việt Tân còn lại vẫn được các thế lực thù địch với Nhà nước ta hà hơi tiếp sức để thực hiện những âm mưu mới. Thời điểm này, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng, rồi đi đến chỗ tan rã nên bọn phản động quốc tế xác định Việt Nam là một trong những mục tiêu cuối cùng.
Với chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng đánh ta toàn diện mà trong đó, hướng chủ yếu là gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, tuyên truyền cho chủ nghĩa đa nguyên, thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tiến hành hoạt động khủng bố bằng cách đánh chất nổ, chèn sóng đài phát thanh, phá hoại chính sách đầu tư, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc… nhằm kích động người dân biểu tình, bạo loạn.
Vì thế, Việt Tân cũng thay đổi một số phương thức nhưng về bản chất, nó vẫn là một tổ chức khủng bố. Và không chỉ khủng bố dưới hình thức vũ trang, nó còn tiến hành các thủ đoạn khủng bố tinh thần, khủng bố chính trị mà cụ thể là ngay từ đầu năm 1990, Việt Tân sau khi phục hồi, đã cho ra mắt các nhóm ngoại vi như “Liên minh Việt Nam tự do”, “Hội chuyên gia Việt Nam hải ngoại”, “Ủy ban vận động chính trị người Mỹ gốc Việt”, “Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường”, “Ủy ban tự do vùng Trung Tiệp, Đông Tiệp”…
Cái hướng mà Việt Tân nhắm tới là giới trẻ, học sinh, sinh viên, lao động xuất khẩu ở các nước Đông Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đồng thời móc nối một số phần tử cơ hội chính trị trong nước, thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc đổi mới”, lập “Ban phát triển quốc nội” do một “trung ương ủy viên” của Việt Tân là Nguyễn Quốc Quân trực tiếp điều hành. Từ những nhóm ngoại vi này, Việt Tân triển khai các hoạt động liên kết trong – ngoài mà chúng gọi là “kế hoạch Nancy”.
Sử dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực truyền thông, thông tin, Việt Tân chuyển tài liệu, truyền đơn, thư ngỏ cho các đối tượng cơ hội trong nước in sao, tán phát. Công khai chống Đảng, chống chính quyền, đi ngược lại quyền lợi đất nước, dân tộc.
Nguy hiểm hơn, Việt Tân còn chi hàng trăm nghìn USD cho một số những tên biệt kích đã bị bắt – và đã được tha trong các cuộc hành quân “Đông tiến” để cho ra đời các “đội cảm tử” làm hạt nhân thực hiện những vụ ám sát, khủng bố rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Tại Mỹ, Việt Tân tổ chức “đại hội VI”, vạch ra cái gọi là “Kế hoạch sang sông” – hay còn gọi là “Đông tiến 7” với quyết tâm công khai hóa tổ chức Việt Tân tại Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch này, lần lượt các nhóm Việt Tân hải ngoại lên đường về nước dưới nhiều hình thức như thăm thân nhân, du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Song song với các nhóm ấy, lại có những nhóm lén lút vượt biên giới nhằm tổ chức những đường dây xâm nhập bí mật để chỉ đạo các phần tử trong nước kích động nhân dân biểu tình, gây rối an ninh trật tự, chuẩn bị dư luận cho việc Việt Tân xuất hiện công khai mà chúng dự tính vào ngày 20/5/2007 – ngày toàn dân đi bầu cử Quốc hội, và ngày 28/8/2007 – ngày Hoàng Cơ Minh đền tội.
Thâm độc hơn, chúng tung tiền mua chuộc vài nhà báo nước ngoài, vào Việt Nam rồi bố trí cho họ gặp những phần tử nghiện ma túy, mại dâm, giả dạng là người của Việt Tân để phỏng vấn rồi sau đó tung lên một số trang web để đánh lừa người dân trong nước, đánh lừa cộng đồng người Việt ở nước ngoài, rằng Việt Tân vẫn là một tổ chức có thực lực. Bên cạnh đó, chúng còn tìm cách đưa người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, hoặc chui vào các cơ quan công quyền, các cơ quan Đảng, các tổ chức xã hội để làm vỏ bọc hoạt động.
Hỗ trợ cho những chuyện này, Việt Tân lập ra các cơ quan ngôn luận như đài phát thanh, báo in, báo điện tử, lợi dụng mọi điều kiện để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình đất nước, xúi giục một số quan chức của một số nước cùng vài tổ chức quốc tế công khai bôi xấu Việt Nam. Thâm độc hơn, lợi dụng những chuyến thăm viếng Việt Nam của các phái đoàn quốc tế, Việt Tân tìm cách cài cắm người vào để tiếp xúc với tay chân trong nước, để chỉ đạo âm mưu khủng bố, phá hoại.
Chủ động vô hiệu hóa âm mưu và hoạt động của bọn Việt Tân, Chuyên án HM26 được xác lập. Để nâng cao tính hiệu quả, Cơ quan An ninh Việt Nam đã đổi mới toàn diện, từ nhận thức địch tình đến hành động thực tiễn. Kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, ta còn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác của nhân dân trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng bộ đội, biên phòng, dân quân du kích.
Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh Việt Nam còn tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực để “đánh địch từ xa, đánh địch từ trung tâm xuất phát”. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh Chuyên án HM26, Cơ quan an ninh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng của 30 tỉnh thành, gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Hà Tây, Nam Định, Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đà nẵng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Thuận… đấu tranh thắng lợi với các mảng đối tượng tại từng địa phương, hình thành thế trận liên hoàn, sắc bén.
Xuyên suốt Chuyên án HM26, từ năm 2001 đến nay, Cơ quan An ninh Việt Nam đã vô hiệu hóa, đẩy lùi nhiều âm mưu của bọn Việt Tân, bắt nhiều đối tượng xâm nhập – trong đó có 2 “trung ương ủy viên” và nhiều tay chân Việt Tân trong nước mà cụ thể gần đây nhất, là nhóm Nguyễn Quốc Quân, Trương Leon, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Quang Phục, từ Mỹ, Pháp, Thái Lan vào Việt Nam bằng cả đường hợp pháp lẫn xâm nhập trái phép để tiến hành âm mưu khủng bố, thu giữ nhiều tang vật.
Chiến thắng này đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững, giữ ổn định an ninh chính trị, giúp Đảng, Nhà nước triển khai thắng lợi các chương trình kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta ngày càng vững chắc.
Đấu tranh chống phản động “hoa lan” – chuyên án PQ55:
Vào năm 1994, An ninh Việt Nam phát hiện tổ chức “Mặt trận kháng chiến phục quốc Việt Nam” do tên Bùi Hữu Thăng – Việt kiều Mỹ cầm đầu đang tìm cách móc nối với số đối tượng tàn dư của tổ chức “Liên đảng cách mạng Việt Nam” do Hoàng Việt Cương cầm đầu. Chúng âm mưu liên kết lực lượng để thực hiện ý đồ chống phá và vạch kế hoạch thực hiện chiến dịch với tên gọi “Hoa Phượng”, “Hoa Lan”.
Với chiến dịch “Hoa Phượng”, các đối tượng đưa đồng bọn về Việt Nam dưới danh nghĩa Việt kiều thăm thân, du lịch, ký kết làm ăn… Trong khi lực lượng An ninh đang tiến hành các biện pháp trinh sát, quản lý các đối tượng chủ yếu thì tối 13/10/1994, các tổ chức phản động này đã gây ra vụ nổ lựu đạn tại bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh). Vụ nổ tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng ảnh hưởng xấu về chính trị cũng như tác động không tốt đến các hoạt động kinh doanh, hợp tác quốc tế.
Ngay sau khi vào cuộc điều tra, Tổng Cục An ninh – Bộ Công an đã làm rõ các đối tượng Nguyễn Sĩ Bằng, Trần Văn Thuận và Phạm Văn Thân đã nhận nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát, thực hiện vụ ném lựu đạn trên. Đồng thời làm rõ kế hoạch dịch chuyển chiến dịch “Hoa Phượng” sang phát động chiến dịch “Hoa Lan” với mục tiêu “cho nổ” trong dịp Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối tượng được giao thực hiện vụ nổ tiếp theo – đánh phá khách sạn Tản Đà (TP Hồ Chí Minh) là Huỳnh Văn Dũng, quê Cái Nước, Minh Hải.
Lập tức, chuyên án PQ55 được thành lập. Một mặt tung lực lượng truy tìm Huỳnh Văn Dũng và số đối tượng đang lẩn trốn, mặt khác Ban chuyên án chỉ đạo lực lượng trinh sát sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đập tan kế hoạch “Hoa Lan”… Từ ngày 9 – 22/6/1996, các mũi trinh sát Ban chuyên án PQ55 đã lần lượt bắt giữ Trần Văn Thuận và Nguyễn Sỹ Bằng khi đang vận chuyển tài liệu phản động qua biên giới Campuchia vào Việt Nam. Bắt giữ Trần Văn Nghị, Huỳnh Cẩm Quang, Huỳnh Cẩm Phong và Đặng Văn Thân tại TPHCM.
Tổng Hợp