+
Aa
-
like
comment

Moody’s thăng hạng, thay đổi hoàn toàn quan điểm về Việt Nam

Hạnh Văn - 18/03/2021 16:56

Ngày 18/3 vừa qua, hãng Dịch vụ Nhà đầu tư Moody’s (Moody’s Investors Service, gọi tắt là Moody’s) đã khẳng định Chính phủ Việt Nam là tổ chức phát hành dài hạn và xếp hạng tín chấp cao cấp ở mức Ba3, thay đổi triển vọng của Việt Nam lên mức tích cực.

Theo báo cáo mới nhất của Moody’s, tác nhân tạo nên quan điểm tích cực bao gồm dấu hiệu cải thiện năng lực tài khóa và tiềm năng cải thiện sức mạnh nền kinh tế có thể củng cố sức mạnh tài chính của Việt Nam theo thời gian. Chính sách hợp nhất tài khóa bền vững đã cải thiện các chỉ số tài chính và dư nợ được Moody’s dự đoán chỉ bị gián đoạn tạm thời bởi đại dịch. Hơn nữa, sức mạnh kinh tế của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc chuyển đổi toàn cầu chuỗi sản xuất, thương mại và tiêu dùng sau đại dịch và giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam. Theo thời gian, dấu hiệu tăng trưởng sức mạnh tài khóa và kinh tế cho thấy việc hiệu quả tăng cao của các chính sách, và cũng tạo sức ép thúc đẩy sức mạnh tài chính của Việt Nam.

Đồng thời, Moody’s nhận định các tác nhân dẫn đến quan điểm tiêu cực vào thời điểm tháng 12/2019 đã suy giảm. Khi đó viễn cảnh trên dựa vào đánh giá về những nguy cơ đối với năng lực tài chính của Việt Nam do hệ thống quản lý còn thiếu sót, dẫn đến việc trì hoãn chi trả các khoản nợ đảm bảo của chính phủ. Theo đánh giá của Moody’s, Chính phủ đã tăng cường giám sát hành chính đối với các khoản thanh toán sắp tới.

Việc xác nhận hạng Ba3 hiện đang được củng cố bởi các ưu và nhược điểm tài chính hiện tại, bao gồm một nền kinh tế rộng mở với tiềm năng phát triển mạnh, có sức chịu đựng các cú sốc kinh tế, và năng lực ngày càng cao của hệ thống tài chính trong nước để tài trợ cho các khoản vay của Chính phủ với chi phí thấp. Bên cạnh đó, Moody’s cũng đánh giá những nguy cơ hiện tại từ những vấn đề tồn động trong việc quản lý hành chính, và trong công tác quản lý của các tập đoàn Nhà nước, cùng những rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Trần nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam không thay đổi lần lượt ở mức Baa3 và Ba2. Mức trần nội tệ xếp hạng Baa3, cao hơn ba bậc so với xếp hạng tín dụng Nhà nước, phản ánh tiến trình ra quyết định của Chính phủ và vai trò đang thu hẹp của Chính phủ trong nền kinh tế, cùng rủi ro chính trị mất cân bằng bên ngoài ở mức thấp. Trần ngoại tệ ở mức Ba2, thấp hơn hai bậc so với trần nội tệ, phản ánh những hạn chế đối với dòng vốn dẫn đến các hạn chế chuyển đổi và chuyển đổi có thể được áp dụng vào những thời điểm cần thiết.

Những yếu tố nào đã giúp Việt Nam thăng hạng tại Moody’s?

1. Cải thiện giám sát của Chính phủ về đảm bảo giảm rủi ro khi trả nợ đúng hạn trong tương lai

Vào tháng 12/2019, Moody’s thay đổi quan điểm về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức tiêu cực, do những lo ngại xung quanh những thiếu sót trong quản lý dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ gián tiếp.

Nhưng giờ đây, Moody’s đánh giá rằng các hoạt động quản lý thanh toán nợ có đảm bảo đã được tăng cường trong Chính phủ, với sự giám sát chặt chẽ hơn đối với phạm vi các khoản thanh toán nợ được đảm bảo sắp đến hạn. Chính phủ theo dõi một danh sách đầy đủ các nghĩa vụ nợ trực tiếp và gián tiếp và đã thiết lập một quy trình hành chính, theo đó các bộ liên quan dành kinh phí trước để thực hiện các nghĩa vụ này. Với sự tập trung phối hợp vào việc đảm bảo rằng các khoản thanh toán được lên kế hoạch và xử lý kịp thời, Moody’s đánh giá rằng rủi ro về sự chậm trễ gia hạn đã được giảm thiểu.

2. Hợp nhất tài khóa được tiếp nối

Ngoài ra, việc củng cố tài khóa có hiệu lực trước đại dịch tiếp tục nâng cao sức mạnh tài khóa, đặc biệt là nếu chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn và tăng trưởng ngày càng ít phụ thuộc vào các biện pháp khuyến khích tài khóa.

Moody’s dự kiến nợ công sẽ tăng nhẹ lên mức 39% GDP vào năm 2020, khi đại dịch tác động đến doanh thu và tăng mức độ chi tiêu dù ít hơn về mặt vật chất so với hầu hết các quốc gia khác, trước khi giảm dần trong vài năm tới.

Việc kiểm soát đại dịch hiệu quả giúp khôi phục nhanh chóng hoạt động kinh tế trong nước và thương mại xuyên biên giới, hỗ trợ thu thuế. Về lâu dài, Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện việc tuân thủ quy định thuế bằng việc tăng cường chú ý đến công tác truy thu thuế, đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số, và phổ quát hơn các doanh nghiệp khu vực phi chính thức vào cơ sở doanh thu, mặc dù hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa được nhìn thấy.

Sức mạnh tài khóa sẽ được hỗ trợ bởi khả năng chi trả nợ ổn định, nhờ hồ sơ đáo hạn nợ được kéo dài. Chi phí vay trong nước thấp đã cho phép Chính phủ ngày càng tăng cường nguồn vốn ngân sách từ các địa phương và tăng kỳ hạn trung bình của các khoản vay Chính phủ mới lên gần 14 năm, nâng kỳ hạn trung bình đến hạn của tất cả các khoản nợ Chính phủ trong nước còn tồn đọng lên 7,5 năm. Chính phủ cũng thực hiện kế hoạch quản lý nợ luân phiên trong 3 năm, dù lịch đấu thầu trái phiếu thông thường vẫn chưa phải là chuẩn.

Sức mạnh kinh tế hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu trong sản xuất, thương mại và tiêu thụ

Các đặc điểm cấu trúc và chu kỳ có thể nâng cao sức mạnh kinh tế, được thúc đẩy bởi sự hội nhập của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á cũng như khả năng tận dụng sự gia tăng nhu cầu về mặt hàng điện tử, điện thoại thông minh, đồ nội thất và các hàng hóa sản xuất khác có khả năng chịu đựng qua đại dịch.

Tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 2010 và hiện đã theo kịp các nước Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ sự chuyển hướng chuỗi sản xuất và thương mại, bao gồm cả vai trò thành viên của các hiệp định thương mại lớn trong khu vực, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP vừa được ký kết gần đây, Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương CPTPP, và Hiệp định thương mại tự do song phương với EU, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khi các công ty đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất ở châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.

Moody’s kỳ vọng các hiệp định này sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong các sản phẩm có giá trị thấp hơn như giày dép và hàng may mặc so với các nhà sản xuất lớn khác, đồng thời đặt Việt Nam vào trung tâm của chuỗi cung ứng khu vực công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn cho mặt hàng điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm khác sản phẩm điện tử. Hội nhập thương mại cũng sẽ thúc đẩy đầu tư tiếp tục vào cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần của Việt Nam, tuy chưa phát triển bằng các nền kinh tế Đông Nam Á khác, nhưng đang bắt kịp về độ hiệu quả.

Sức lan tỏa lớn từ các hoạt động sản xuất nước ngoài sang các chuỗi giá trị trong nước sẽ hỗ trợ thêm cho sức mạnh kinh tế. Theo thời gian, dấu hiệu tăng trưởng sức mạnh tài khóa và kinh tế cho thấy việc hiệu quả tăng cao của các chính sách, và cũng tạo sức ép thúc đẩy sức mạnh tài chính của Việt Nam.

Theo Moody’s, xếp hạng Ba3 là sự cân bằng giữa sức mạnh kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, khả năng thanh khoản và rủi ro bên ngoài thấp, sức mạnh thể chế và quản trị vẫn cần nâng cao, cùng rủi ro từ kết tinh của các khoản nợ tiềm tàng hiện nay.

Đặc biệt, một chiến lược thanh toán và đáo hạn nợ được cải thiện, có khả năng thu hút ngày càng nhiều các khoản vay trong nước nhưng vẫn bao gồm vay ưu đãi bên ngoài từ các chủ nợ chính thức, sẽ kéo rủi ro thanh khoản của chính phủ xuống mức thấp.

Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư hỗ trợ các vùng đệm bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tích lũy được mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 89 tỷ đô la tính đến tháng 9/2020, trong khi vẫn duy trì được tỷ giá hối đoái ổn định quanh biên độ giao dịch 3% đối với tiền đồng, một yếu tố quan trọng của khu vực xuất khẩu định hướng đầu tư nước ngòai trực tiếp của Việt Nam. Các chính sách thu hút đầu tư đã mang lại kết quả nguồn vốn FDI và hội nhập thương mại trong khu vực châu Á và các khối kinh tế lớn khác ở mức cao, giúp tăng tính năng động trong xuất khẩu, cân đối bên ngoài mạnh mẽ và tích lũy dự trữ ngoại hối. Căng thẳng địa chính trị liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hay căng thẳng ở Biển Đông có thể đặt ra những thách thức đối với nền kinh tế dựa vào thương mại của Việt Nam.

Bên cạnh những điểm sáng, Moody’s cũng chỉ ra những bất cập cần được chú trọng cải thiện của nền kinh tế Việt Nam, một số chỉ số xếp hạng vẫn ở mức thấp, như Điểm Tác động Tín dụng ESG của Việt Nam rơi vào mức CIS-4 (điểm thấp nhất), Điểm số hồ sơ của cơ quan công bố môi trường E-3 (âm), Điểm số hồ sơ tổ chức cấp xã hội của Việt Nam ở mức S-3 (âm vừa phải). Điểm số hồ sơ cơ quan quản lý nhà nước cũng ở mức G-4 (tiêu cực cao), mặc dù có nhiều bằng chừng cho thấy hiệu quả chính sách được cải thiện rõ rệt. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam còn những thách thức cần được khắc phục, xử lý triệt để. Triển vọng tích cực cũng báo hiệu rằng việc hạ xếp hạng khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn tài chính tái xuất hiện, dẫn đến lạm phát cao hơn, tăng chi phí trả nợ hoặc suy giảm vị thế thanh toán đối ngoại của đất nước cho thể khiến Việt Nam giảm hạng. Những dấu hiệu căng thẳng có thể liên quan đến sự đảo ngược của sự ổn định hiện tại trong quỹ đạo nợ và thâm hụt, có khả năng là kết quả của sự kết tinh khá lớn các rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống ngân hàng hoặc các doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn chung, các dấu hiệu ngày rõ rệt cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên đáng kể, chẳng hạn như khả năng duy trì tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng lợi từ tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cao sẽ thăng hạng cho Việt Nam. Điều đó cho thấy hiệu quả của chính sách tài khóa và / hoặc chính sách tiền tệ đang tăng cường cũng có thể dẫn đến việc thăng hạng.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều