+
Aa
-
like
comment

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam: Không thể chỉ rút kinh nghiệm

Thành Nhân - 23/12/2019 10:05

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, dù đã bị Bộ Tài chính phản bác là “không xác đáng” nhưng vẫn tác động nhất định tới chuyện kinh doanh của không ít doanh nghiệp, tổ chức tài chính nước ta.

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam: Không thể chỉ rút kinh nghiệm

Trước đó, không khỏi bất ngờ khi Moody’s trong thông báo đưa ra mới đây đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống tiêu cực. Bất ngờ bởi nền kinh tế Việt Nam được coi là một điểm sáng ở châu Á khi đạt tốc độ tăng trưởng loại cao nhất, các chỉ số kinh tế quan trọng nhất được cải thiện đáng kể nhờ những nỗ lực liên tục của Chính phủ. Ngay chính Moody’s cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, sự đa dạng hóa kinh tế, chống chọi các cú sốc, bao gồm cả sự chậm lại kéo dài trong thương mại toàn cầu. Moody’s cũng dự kiến gánh nặng nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ giảm dần, còn khoảng 48% GDP vào năm 2020 từ mức gần 53% trong năm 2016…

Nguyên nhân chính hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, theo Moody’s, là do tổ chức này cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro, tuy không còn đáng kể, của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh. Moody’s không nêu cụ thể nhưng đó là việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với các dự án La Sơn – Túy Loan, Quốc lộ 20 và thủy điện Hồi Xuân.

Điều đáng nói là việc chậm thanh toán, trả nợ cho các dự án này không phải do chưa có tiền mà do thủ tục hành chính khi các bộ – ngành liên quan đã phối hợp thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ, tích cực.

Ngay sau khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, trong cuộc làm việc với một số bộ – ngành về những nội dung liên quan đến trách nhiệm trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với các dự án La Sơn – Túy Loan, Quốc lộ 20 và thủy điện Hồi Xuân, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng nêu rõ: “Đây là trách nhiệm rất lớn. Thủ tướng rất không hài lòng, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng”.

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng hay hạ triển vọng tín nhiệm rất quan trọng bởi ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế và thị trường tài chính, tác động đến dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam. Việc bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của quốc gia và doanh nghiệp mà cụ thể là chi phí lãi suất huy động vốn sẽ cao hơn để bù rủi ro, thu hút nhà đầu tư. Việc tăng chi phí vốn cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư công và tăng trưởng kinh tế.

Thế nên, việc để Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm mà cần chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm và xử lý nghiêm để không tái diễn trong tương lai, đồng thời răn đe những cá nhân, đơn vị trong thực thi công vụ.

Logo của Moody’s bên ngoài trụ sở tại New York, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 18/12, Moody’s thông báo điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10. Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định này là nhận định vẫn tiềm ẩn rủi ro chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ, trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đồng thời, một ngày sau hạ triển vọng của Việt Nam xuống “Tiêu cực”, Moody’s cũng có điều chỉnh tương ứng với 18 ngân hàng thương mại xuống “Tiêu cực”. Moody’s khẳng định động thái với các nhà băng không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của họ yếu đi. Nó hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của Moody’s với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Giao dịch tại một ngân hàng ở Việt Nam. Ảnh: Anh Tú

Tieu Diem (Tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều