+
Aa
-
like
comment

Món nợ 12 năm của tuyến Metro 2 tỷ USD

Hạ Băng - 12/10/2022 15:08

Tuyến metro số 2 dự kiến hoàn thành năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công các hạng mục chính. Sau 12 năm được duyệt, lời hứa từ Metro số 2 vẫn còn bỏ ngỏ…

Dãy nhà mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, đã lùi sâu sau khi bàn giao mặt bằng cho Metro Số 2, ngày 7/10.

Metro số 2, từ chợ Bến Thành đi Tham Lương, dài 11 km, được duyệt với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD (hơn 26.000 tỷ đồng), trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở TP.HCM, sau Metro số 1. Kế hoạch ban đầu, tuyến sẽ hoàn thành từ năm 2016, nhằm giải quyết nhu cầu đi lại từ khu trung tâm đến cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Nhưng đến tháng 5 năm 2022, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho dự án mới đạt 85%. Thời gian hoàn thành dự kiến bị lùi đến năm 2030. Không những thế, tổng vốn đầu tư của dự án cũng tăng từ 1,24 tỷ USD lên hơn 2 tỷ USD.

Ở giai đoạn 1, tuyến đường sắt dài 11,2 km này sẽ đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, đoạn đi ngầm dài 9,2 km, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12). Tổng diện tích giải tỏa hơn 251.000 m2, 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án hơn 4.350 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), đến tháng 1/2022, các quận cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp. Hiện nay, vướng mắc chính ở quận 3 do hệ số giá đất mới chưa được duyệt, một số hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường.

Một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) tháo dỡ cuối năm 2020 giao mặt bằng cho tuyến Metro số 2.

Đáng buồn, Metro số 2 chậm tiến độ dẫn đến 5 hiệp định vay vốn các nhà tài trợ đều hết hạn giải ngân. Trong đó, hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 240 triệu Euro đang được đề nghị gia hạn.

Các chuyên gia nhận định, sự chậm trễ của Metro số 2 ngoài ảnh hưởng đời sống người dân còn làm giảm uy tín, cơ hội vay vốn nước ngoài. Nhà tài trợ sẽ so sánh, đắn đo khi chọn đối tác. Bên cạnh đó, dự án càng chậm dễ đội vốn vì áp dụng công nghệ phức tạp; chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng, nhân công, vật liệu… cũng tăng.

Mặt khác, việc chậm đã tác động mục tiêu hình thành trục giao thông “xương sống” kết nối trung tâm về phía Tây Bắc, trong bối cảnh các tuyến đường ngày càng quá tải. Metro số 2 không chỉ vấn đề riêng lẻ mà là bài toán chung của phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong nước.

Tuyến Metro số 2 được được kỳ vọng giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Ngoài ra, dự án còn bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía tây bắc và ngược lại. Đồng thời là cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này nhưng hiện tại nó đang trở thành gánh nặng cho xã hội và nền kinh tế.

Được biết, trong báo cáo mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án, TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục trình thẩm định cho vay lại, đề xuất khoản vay cụ thể khi tư vấn CS2B hoàn thành cập nhật thiết kế, dự toán gói thầu, lập hồ sơ mời thầu… Thành phố cũng cho biết Ngân hàng KfW đã xác nhận khoản tài trợ bổ sung 300 triệu Euro, dự kiến giữa năm sau ký kết để tạm ứng cho gói thầu tư vấn CS2B. Ngân hàng ADB cũng đã có biên bản ghi nhớ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ một tỷ USD cho Metro số 2, dự tính ký kết từ năm 2025 để giải ngân cho các gói thầu chính dự án.

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ của tuyến metro số 1 và cố gắng hoàn thành trong năm 2023, đồng thời chuẩn bị khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật của tuyến metro 2 vào cuối năm nay. Đây là một trong những nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề cập tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, sáng 1/10 vừa qua.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều