Mộ liệt sĩ không có hài cốt: Lòng biết ơn cần có sự thể hiện đúng
Những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn quanh năm được thờ cúng trang nghiêm. Nhưng khi khai quật lên, người ta mới vỡ lẽ, 13 ngôi mộ không có hài cốt, mà có chăng là những chiếc túi nylon đựng đất, đá. Đây là cách mà những người làm công tác huân tập mộ liệt sĩ báo ơn với người đã xả thân vì hòa bình, tự do, độc lập cho đất nước Việt Nam hay sao?
Người có lương tri nhìn bia mộ anh hùng liệt sĩ thấy lịch sử, thấy sự hy sinh, thấy đất nước có tương lai, người dân có cuộc sống như hôm nay là có những người đã ngã xuống. Vì lý do đó, ý nghĩa thiêng liêng đó, mà nhiều thế hệ đã trân trọng, biết ơn, và mỗi dịp Tết, ngày kỷ niệm hay sự kiện quan trọng, thăm nghĩa trang liệt sĩ, người ta kính cẩn thắp nén hương lên bia mộ anh hùng liệt sĩ. Còn những kẻ làm mộ liệt sĩ giả, dựng lên ngôi mộ không hài cốt gắn cho cái danh “liệt sĩ” thì có lẽ, những người vô tri, vô tâm này chỉ thấy … có tiền thôi?!
Bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc nào cũng để lại những tang thương, mất mát, mà người đi sau cần phải ghi nhớ để có những hành động thiết thực. Việc tìm hài cốt liệt sĩ, có ý nghĩa nhân văn, không chỉ ở việc làm yên lòng các bậc tiền nhân đã ngã xuống mà còn xoa dịu lòng người ở lại, đó là gia đình, thân nhân các liệt sĩ. Bất kỳ người Mẹ Việt Nam Anh Hùng nào cũng muốn tìm được hài cốt của con mình và muốn hài cốt đó được an trí ở nơi tôn nghiêm nhất. Đó là tâm nguyện chính đáng, bởi họ đã chịu quá nhiều nỗi đau khi để cho con lên đường làm nhiệm vụ, rồi hy sinh thân mình trong quá trình đấu tranh giải phóng đất nước.
Bây giờ, đất nước bình yên, có kẻ gian dối, bất nhân làm giả về ngôi mộ liệt sĩ, khác nào xác muối vào vết thương, làm cho nỗi đau âm ỉ hàng ngày của người ở lại thêm đau nhói. Những giọt nước mắt ngày hôm nay 13 gia đình liệt sĩ rơi, không chỉ đau với nỗi đau mất người thân, mà trong đó còn là giọt nước mắt uất ức, tủi cho phận con, em mình.
Những bài học vỡ lòng về uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, được phụ huynh dạy rất kỹ. Câu ca dao tục ngữ được truyền đạt rất tỉ mĩ, ý thức giáo dục con trẻ được ông bà tâm huyết từ ngày đầu dạy con nói tiếng vỡ lòng. Người lớn không quên dạy gì cả, chẳng qua một số người vì lòng tham, đã đánh rơi nhân cách, quên đi những điều căn bản làm nên một con người mà thôi!
Tường Vi