+
Aa
-
like
comment

Mây đen bao phủ thế giới

Lan Hoa - 08/09/2022 10:16

Chưa bao giờ cụm từ “suy thoái kinh tế” được tìm kiếm nhiều đến thế trên thanh công cụ Google. Nó phản ánh sự quan tâm cũng như thái độ bi quan của phần lớn công chúng đối với triển vọng của nền kinh tế hiện tại.

Kinh tế toàn cầu bị bao phủ bởi “màu đen ảm đạm”

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần nữa lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào cuối năm 2022 từ mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. IMF giải thích rằng GDP thế giới thực sự giảm trong Quý II do suy thoái ở Trung Quốc và Nga. Đồng thời, IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% của tháng 4, với lý do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nhấn mạnh trong phát biểu tại một cuộc họp báo: “Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro đang đình trệ, tác động lớn đối với triển vọng toàn cầu. Dường như mây đen đang bao phủ nền kinh tế trên toàn thế giới”.

Theo đó, IMF dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 3,7% đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,3% xuống còn 1,7% trong năm 2023, đồng thời cho rằng tốc độ tăng trưởng nước này sẽ chậm lại, chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024.

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục sau đại dịch, nhưng “cú sốc lớn” từ cuộc xung đột tại Ukraine cũng như việc Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa đang khiến Mỹ bị “vạ lây”. Bà Georgieva cảnh báo những “cú sốc tiêu cực hơn nữa” có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ khó khăn hơn trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine đang khiến kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng

Ngoài ra, trang Wall Street Journal cũng dẫn lời của Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers trên chương trình “Meet the Press” của NBC rằng, dựa trên các xu hướng lịch sử, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2022.

Trong cuộc họp hồi tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, đưa lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 1,5 – 1,75%. Và trong phiên họp tháng 7, một lần nữa, Fed lại tăng lãi suất ở mức 0,75% khi lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed sẽ kiên trì với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% bằng cách hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng mà không tạo ra suy thoái. Ông cho biết mức lãi suất có thể lên 3,8% vào năm 2023, nhưng “không còn cách nào khác”.

Người dân Châu Âu đang phải gánh chịu mức lạm phát cao chưa từng có

Tương tự, các quốc gia trong “đại gia đình EU” cũng đang bước vào giai đoạn lạm phát kỷ lục. Theo dự báo của các nhà kinh tế, EU có khoảng 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong cả 12 tháng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng mức lạm phát kỷ lục 8,1% mà châu Âu ghi nhận hồi tháng trước, vẫn chưa phải là mức đỉnh.

Đối với Trung Quốc, IMF dự báo báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 4,4% xuống còn 3,3% vào tháng 9/2022, với lý do Covid-19 bùng phát và tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở các thành phố lớn đã hạn chế sản xuất và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hôm 25/8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 2,85% xuống 2,75%, trái ngược với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên không đổi trước đó. Tuy nhiên, đây cũng đã là đợt giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm của PBOC, động thái mà theo họ là để “tăng cường hỗ trợ” cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Wall Street, đây cũng là tín hiệu cho thấy cỗ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang đánh mất tốc độ.

IMF liên tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Ở thời điểm hiện tại, những dấu hiệu về cuộc suy thoái kinh tế ở quy mô toàn cầu là rất rõ ràng. Lạm phát ở phương Tây kéo theo khả năng tiêu dùng kém sẽ khiến lượng xuất khẩu ở các nước châu Á bị sụt giảm, ảnh hưởng chung đến cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, đứt gãy trong chuỗi cung ứng càng làm vấn đề trở nên trầm trọng. Sự thiếu hụt hàng hóa đồng thời diễn ra với sự dư thừa sản xuất ở những nơi khác. Nhưng, những rạn nứt trong quan hệ quốc tế thời gian qua đang khiến cho các đối tác lớn khó ngồi lại đối thoại với nhau để tìm giải pháp chung.

Nhận định về triển vọng kinh tế thế giới những tháng tới, đa số các nhà phân tích đều khá bi quan. Moody’s Analytics, chi nhánh chuyên về các dịch vụ tài chính của hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s, mới đây có bài phân tích nhận định rằng sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu và môi trường giao dịch ngày càng nhiều rủi ro có thể khiến lạm phát tăng cao hơn trong năm 2022.

Rõ ràng, hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đều đang bị tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và khủng hoảng lương thực, thực phẩm, theo Wall Street.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều