+
Aa
-
like
comment

Mạng xã hội, nơi mà sự trung thực là điều xa xỉ

Komi - 09/12/2020 18:08

Khi xã hội thực được mô phỏng bằng mạng ảo (mạng xã hội, mạng Internet…) nhưng sự mô phỏng ấy chỉ là phiến diện, con người ta dễ dàng bị đẩy đến những lối nhận thức chủ quan, phiến diện hơn. Khi đó, mọi sự việc đều được quy kết nhanh chóng qua bỏ bọc bề ngoài hoặc đơn giản chỉ là khái quát chung cho thành phần thiểu số…

Xã hội hay mạng xã hội thiếu vắng lòng trung thực?

“Nền giáo dục XHCN chỉ tạo ra 2 mẫu người, đó là hoặc thật thà hoặc giả dối chứ không tạo ra con người trung thực”. Đó là lời khẳng định hùng hồn của một Facebooker tên “Đỗ Ngà” chỉ sau hai dẫn chứng rất qua loa về việc các doanh nghiệp Việt yếu thế trước doanh nghiệp ngoại và “5 điều bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”.

Theo đó, Đỗ Ngà cho rằng các doanh nghiệp Việt thường yếu thế, khó cạnh tranh với các “cá mập” ngoại ngay trên sân nhà vì các bên kinh doanh không có sự trung thực, từ đó mà không ai chịu nhường ai, dẫn đến thất bại. Cùng đó, theo người này, trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, chỉ dạy phải “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” chứ không dạy sự trung thực sẽ chỉ sinh ra “phá hoại”.

Quan điểm của Facebooker Đỗ Ngà, có lý lẽ, có thể thể hiện một số tư duy, nhưng chút lý lẽ, tư duy ấy lại chỉ đi kèm với “một nửa khách quan” nên sự thuyết phục không thoát ra được sự giả tạo.

Thứ nhất, đánh giá các doanh nghiệp Việt thiếu tính liên kết với nhau là đúng thực trạng bài toán kinh tế mà các chuyên gia đã nhận định, nhưng nguyên nhân hoàn toàn không phải do thiếu lòng trung thực. Cuối năm 2019, Vingroup và Masan – hai doanh nghiệp nằm trong nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam đã có thương vụ sáp nhập Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty VinEco với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Tháng 11/2020, Viettel (tập đoàn viễn thông hàng đầu) đã hợp tác VinSmart (doanh nghiệp Việt sản xuất thiết bị điện tử lớn trong nước) để bán smartphone 4G giá từ 600.000 đồng nhằm phổ cập smartphone 4G đến đông đảo người dân. Hai trong số rất nhiều thương vụ hợp tác điển hình như trên đã đủ để minh chứng rằng các doanh nghiệp Việt không thiếu lòng tin, không thiếu sự trung thực. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào trong kinh doanh cũng cần thời gian để thích ứng, các doanh nghiệp Việt vốn chỉ đang chờ thời cơ và chờ những đối tác thích hợp nhất mà thôi.

Thứ hai, đánh giá về nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thì phải đánh giá đúng ngữ cảnh, thời điểm và nội dung. Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” bởi lẽ bất cứ sự trung thực nào cũng đều phải hình thành từ sự thật thà. Trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…”. “Trẻ em” hay “thiếu niên, nhi đồng” là lứa tuổi được coi như lớp “mầm non”, là những người trẻ còn chưa va vấp nhiều trong đời sống xã hội, thì việc giáo dục nhân cách phải được thận trọng ngay từ bước đầu. Vì thế, giáo dục đức tính thật thà với các em là điều tiên quyết phải làm. Lớp trẻ mà không có sự thật thà thì làm sao để phát triển, làm sao để tiếp tục tiếp thu những tri thức rộng lớn hơn.

Mặt khác, lời căn dạy thiếu niên, nhi đồng của Bác cũng không hẳn chỉ dạy thiếu niên, nhi đồng sự “thật thà” mà bỏ quên đi sự “trung thực”. Trung thực từ đâu mà sinh ra? Trung thực là sự thật thà biết chọn lọc, biết tư duy cao và nó sinh ra từ quá trình chúng ta sinh sống, học tập, làm việc và phản ánh lại môi trường xã hội.

Đừng quên, Bác Hồ còn dạy thiếu niên, nhi đồng phải biết “học tập tốt, lao động tốt” và “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”. Tức, sự thật thà phải có kỷ luật, có đoàn kết và sự thật thà phải phát huy trong trong một môi trường học tập, lao động tốt. Khi ấy, kết quả tạo ra chính là lòng trung thực như nhiều người thường nói.

Rõ ràng, xã hội Việt Nam không thiếu lòng trung thực, giáo dục Việt Nam không bỏ qua răn dạy về lòng trung thực, chỉ có điều sự phản chiếu xã hội, sự phản ánh nền giáo dục trên mạng Internet đã và đang thiếu trung thực, thật thà mà thôi.

Đỗ Ngà hay còn đó nhiều Facebooker khác đi đánh giá về giáo dục, xã hội, hay đánh giá về lòng trung thực của người Việt Nam lại không thật thà trong cách đưa thông tin, không trung thực, bao quát trong đánh giá thực tế khách quan. Cứ như thế, sự gian dối đúng là đã được đẩy lên cấp độ cao hơn là sự gian manh. Sự gian manh này đại diện cho nét đặc thù của một phần thu nhỏ xã hội Việt Nam trên mạng xã hội. Ở một phần nhỏ đó, có những con người chỉ biết chỉ trích, chỉ biết phê bình, chỉ biết đánh giá thiếu thiện chí, thiếu khách quan, thiếu luôn cả đạo đức mà vẽ nên một xã hội Việt Nam xấu xí trong mắt cộng đồng.

Đòi hỏi một xã hội trung thực hơn, phát triển hơn, trước mắt nhất quyết phải xóa bỏ sự gian manh trên những góc tối như vậy của mạng Internet, mạng xã hội.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều