+
Aa
-
like
comment

Mắc kẹt giữa ‘rừng’ văn bản, tháo cái này lại vướng cái khác

22/09/2020 06:24

Luật chồng luật, quy định nọ “đá” quy định kia khiến nhiều hoạt động lâm cảnh bế tắc. Không phải chỉ doanh nghiệp, người dân “chịu trận”, cơ quan nhà nước cũng không thoát khỏi những thủ tục rườm rà do chính mình tạo ra.

Tắc giải ngân vốn

Ngày 2/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Ngay khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lên kế hoạch xây dựng Trung tâm này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc bằng nguồn vốn xã hội hóa, tức kêu gọi tư nhân trong và ngoài nước. Mục đích hướng đến là mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đầu tư và thiết lập văn phòng tại NIC.

Thế nhưng, trong cuộc họp gần đây, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến câu chuyện xây dựng trung tâm này như một minh chứng cho việc “tắc” giải ngân vốn đầu tư.

Vị này kể: “Chúng tôi không sử dụng một đồng ngân sách nào, không dám sử dụng vì chúng tôi biết dùng tiền nhà nước để xây trung tâm này thì không dùng được do bị áp định mức, tiêu chuẩn, nguyên tắc cũ”.

“Tôi đã phải vận động trong và ngoài nước được 40-50 triệu USD. Nhưng riêng về thủ tục chúng tôi làm 1,5 năm nay chưa xong. Đây còn không phải tiền nhà nước”, ông kể.

Mắc kẹt giữa 'rừng' văn bản, tháo cái này lại vướng cái khác
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia vẫn chưa thể khởi công.

Vị lãnh đạo này cũng nhận thấy nghịch lý khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi soạn thảo ra Luật Đầu tư công, các quy định hướng dẫn luật. Nhưng đến khi chính Bộ muốn tiêu tiền mà không tiêu được. Cảm giác này khiến vị lãnh đạo thấy “rất bực bội”.

Ông không ít lần nói với cấp dưới: Bộ xây dựng Luật, tiền đi xin ở bên ngoài, không phải tiền nhà nước mà không tiêu được thì không hiểu làm thế nào. Lý do là luật này bị chi phối bởi nhiều luật khác, thành một hệ thống rối rắm đến mức “tháo không tháo được, tháo cái này lại vướng cái khác”.

Kể câu chuyện này để thấy, không phải chỉ doanh nghiệp, người dân, mà cả cơ quan nhà nước cũng trở thành “nạn nhân” của chính các “rừng luật” không rõ ràng mà họ tạo ra. Đó cũng là một phần lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công luôn được hối thúc từng ngày, từng tháng vẫn không cải thiện được là bao.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ 8 tháng năm 2019, Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng là hơn 161.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018, giải ngân 8 tháng đạt 44,24% kế hoạch Quốc hội giao và 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Còn ở phía doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, vẫn đang bị một rừng luật “bó buộc tay chân”.

Có doanh nghiệp kể rằng: Khi đầu tư một dự án du lịch, họ được địa phương cho hưởng ưu đãi vì đầu tư vào địa bàn khó khăn. Ưu đãi này được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Thế nhưng, vài năm sau, khi dự án đang hoạt động trơn tru thì ngành thuế “bác” ưu đãi, đòi truy thu gần chục tỷ đồng. Sau nhiều văn bản qua lại, địa phương khẳng định doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi. Vậy nhưng Cục thuế lại có ý kiến ngược lại. Cuối cùng, doanh nghiệp đành kiện Cục thuế ra tòa để phân xử.

Phát quang “rừng văn bản” để làm nên đường cao tốc

Những mâu thuẫn, chồng chéo, “mỗi nơi hiểu một kiểu” liên quan đến thi hành các văn bản pháp luật là chuyện đã diễn ra và được nhận diện từ lâu. Hồi tháng 2 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 17/9, tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, Nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản (bao gồm: 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Kết quả bước đầu phản ánh một thực tế hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.

Những kết quả rà soát đó cho thấy, người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước đang bị “bủa vây” bởi khối lượng khổng lồ các văn bản. Nếu không “phát quang” rừng luật này, sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, “chi phí dưới gầm bàn”. Mặt khác, điều này cũng khiến những người thực thi phải chịu các rủi ro pháp lý, dẫn đến tình trạng “ngồi im không làm gì” đã và đang diễn ra ở một số bộ phận quan chức và công chức. Đó là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, không tiếp thêm được “nhiên liệu” cho cỗ máy tăng trưởng vận hành.

Một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, một môi trường làm việc chỉ được đánh giá cao khi có hệ thống pháp luật rõ ràng và thông thoáng giống như những con đường cao tốc. Còn ngược lại, tất cả sẽ chỉ tạo thành những con đường ngoằn ngoèo với nhiều đường mòn, lối mở và dễ xảy ra tai nạn cho những ai đi trên con đường đó.

Lương Bằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều