Mặc đồ lính Mỹ, ngụy ra đường: “Thời trang” của những kẻ vô ơn
Thời gian qua, dư luận đã rất nhiều lần phẫn nộ, lên án hành vi phản cảm, mặc đồ lính Mỹ, ngụy ra đường. Và mới nhất là diễu hành cosplay với trang phục lính Mỹ thế chiến II của “Hội yêu đồ lính Hà Nội”. Từ đó, để thấy cần phải có quy định để ngăn chặn những hành vi lệch lạc gây ảnh hướng đến giới trẻ này…
Thực tế là các hội nhóm yêu đồ lính tràn ngập mạng xã hội. Chỉ cần lướt một vòng sẽ thấy hoang mang với vô số hình ảnh thanh niên, kể cả nhóm người trung niên Việt Nam mặc quần áo lính Mỹ, ngụy, kèm theo các comment tán dương, trao đổi mua bán. Khủng khiếp hơn là các trang phục đã qua sử dụng, nếu có đính kèm “lý lịch” chủ nhân là lính đã từng giết chóc được nhiều “kẻ thù”, thì mức độ săn đón càng cao, đôi khi còn được mua lại với giá cao ngất ngưởng.
Không khó để nhận ra các thành viên nhiều diễn đàn kiểu này thường chia sẻ với nhau quan điểm lệch lạc về đất nước. Họ cố tình làm mọi cách để gửi đi thông điệp, trang phục quân đội Việt Nam vừa xấu, vừa rách, không “chất”, không phóng khoáng. Và ngược lại, tất cả những gì thuộc về nước Mỹ mới là ưu việt, là “ngầu”, là đáng ngưỡng mộ.
Chính vì tư tưởng đó, đã cho ra đời một quán cà phê hoành tráng ở Đồng Nai với trang phục nhân viên phục vụ là lính Mỹ, ngụy, dùng hình ảnh ấp chiến lược, lô cốt, xe tăng M113… để trang trí trong, ngoài quán. May sao, ngay ngày đầu tiên mở bán, đã bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng cũng kịp thu hút không ít khách hàng là người trẻ đến vì tò mò. Đây là yếu tố cực kỳ nguy hiểm, là thái độ vô ơn, nối giáo cho những đối tượng chống phá thực hiện các chiến dịch diễn biến hòa bình Việt Nam.
Những bộ đồ lính Mỹ, ngụy chính là trang phục của những kẻ đã lấy đi mạng sống của hàng trăm ngàn người dân Việt Nam; đã giết chóc không nương tay người già, trẻ nhỏ, đã dùng bom và chất độc da cam hủy hoại màu xanh và sự sống của đất nước, để lại di chứng đến tận gần 50 năm sau vẫn chưa khắc phục xong! Vậy thì, mặc đồ của những kẻ giết người, mà vẫn thấy hãnh diện, tươi cười?
Còn nếu bảo mặc đồ thời thế chiến, liên quan gì đến Việt Nam, thì cũng hãy nhớ đến tội ác của loạt bom nguyên tử trút xuống những sinh linh vô tội, đến hơn 70 triệu người thuộc nhiều màu da, nhiều quốc tịch đã nằm xuống trong Thế chiến II. Màu áo của máu, và sự hủy diệt liệu có đáng được tung hê đến vậy không?
Nguy hiểm nhất là những tư tưởng sai lầm, ngày ngày mọc nhanh như nấm lan tràn mạng xã hội, mà người trẻ chính lại là đối tượng dễ bị tác động nhất. Với những thế hệ chưa từng phải trải qua chiến tranh, chưa hiểu hết sự trân quý của hòa bình thì việc bị dẫn dắt đến các suy diễn lệch lạc, đánh mất lòng tự hào dân tộc, và xa hơn là lòng yêu nước, yêu quý lịch sử dân tộc là điều có thể thấy trước.
Bộ quần áo không vô tri, nó cho thấy phần nhận thức của người mặc. Dù rằng quyền tự do ăn mặc của công dân được pháp luật công nhận, nhưng mặc trang phục phản cảm trước giờ vẫn có các điều khoản chế tài. Đã đến lúc cần bổ sung các chế tài nghiêm khắc hơn nữa, thậm chí hình sự hóa liên quan đến việc mặc trang phục lính Mỹ, ngụy ra nơi công cộng.
Câu chuyện một công dân Trung Quốc từng bị chính quyền nước này bắt vì mặc đồ phát xít Nhật đi diễu hành vào năm 2018. Và một năm trước đó, cảnh sát Đức đã tống giam và phạt tiền hai khách du lịch Trung Quốc vì đã chào kiểu “Heil Hitler” trước tòa nhà quốc hội Đức Reichstag… là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc xử lý những hành vi lệch chuẩn này.
Phạm Khoa