Lười học, ngại học lý luận chính trị – căn bệnh nguy hiểm
Lý luận có vai trò quan trọng và việc giáo dục lý luận chính trị (LLCT), xây dựng nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản, vào con đường và biện pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiền phong của giai cấp và dân tộc vạch ra để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.
“Lý luận như cái kim chỉ nam”
LLCT là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, là một bộ phận quan trọng về lý luận trong lĩnh vực chính trị; mang tính đảng, tính giai cấp, đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Vì vậy, giáo dục LLCT, bao gồm nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
LLCT giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với quy luật khách quan. Không có LLCT thì tinh thần và ý chí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng; trong lúc đấu tranh, dễ lạc phương hướng và kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng. Với ý nghĩa đó, việc học tập LLCT không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng hiệu quả những tri thức lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động và kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Với những người lười học lý luận, thì theo Hồ Chí Minh, đó là những người “chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng”, trong khi đó thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ”(1). Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của LLCT đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa LLCT và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn đường. Làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính đó khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít sai lầm, khuyết điểm.
Khẳng định, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(2); và “lý luận sở dĩ quan trọng như vậy là vì nó dạy ta hành động”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập LLCT và vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn.
Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, trong suốt cuộc đời mình, Người không ngừng học hỏi, làm giàu tri thức, vượt lên lối tư duy kinh nghiệm, cảm tính để đến với lý luận khoa học Mác-Lênin; gắn lý luận với thực tiễn cách mạng và xuất phát từ thực tiễn để đề ra quyết sách và lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn là đặc điểm nổi bật trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh, thể hiện rõ trong tư tưởng và tấm gương thực hành của Người.
Phòng và chống bệnh lười học, ngại học lý luận
Là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng và Chính phủ, để đề ra chính sách cho đúng, mỗi cán bộ, đảng viên nhất định phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Một trong những yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với người cách mạng là phải học LLCT để rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng và năng lực trí tuệ đủ sức hoàn thành trọng trách kép vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Phải phòng và chống bệnh lười học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi học và vận dụng LLCT vào thực tiễn, phải thấm nhuần sâu sắc tính sáng tạo, luôn được bổ sung bằng những kết luận đúc rút được từ thực tiễn sinh động của lý luận Mác-Lênin.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và không ít cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về yêu cầu cần thiết phải học tập LLCT mà thường tập trung cho học tập chuyên môn, nghiệp vụ. Đã có không ít người thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập LLCT, thậm chí trốn tránh hoặc xin thôi không tham gia học tập. Khi đi học thì “đánh trống ghi tên”, vừa học, vừa tham gia các công việc khác hoặc nghỉ giữa chừng, học không nghiêm túc, gượng ép, đối phó; vi phạm quy chế học tập như nhờ học, nhờ thi hộ, bỏ học, bỏ thi. Cá biệt, có người đã xin “nợ” việc học tập LLCT, nợ cả bằng cao cấp LLCT khi bổ nhiệm…
Học tập LLCT là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên, vì thế, lười học, ngại học lý luận cũng là biểu hiện của sự suy thoái và sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất, sự lôi kéo của các thế lực phản động. Hơn nữa, vì thiếu lý luận dẫn đường nên họ không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy. Vì thế, khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn, họ thường chủ quan, chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan; không xem xét toàn cục để cân nhắc, xử trí cho khéo mà thường quyết định theo ý của bản thân mình, dẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng dù rất đúng đắn nhưng triển khai chậm, thậm chí hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng.
Để khắc phục những biểu hiện nêu trên, để học LLCT trở thành nhu cầu tự thân, động lực quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy cần phải chú trọng công tác giáo dục LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua công tác giáo dục LLCT, nâng cao trình độ LLCT, khắc phục mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cộng sản.
Cụ thể, cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14-4-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị, khóa VIII về chế độ LLCT trong Đảng; Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; Kết luận số 57-KL/TW ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của LLCT trong Đảng; không được coi nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói riêng là công việc của các nhà lý luận mà đó là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng; là yêu cầu bắt buộc, bức thiết của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo đó, học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là “thuộc làu làu”, “tầm chương trích cú”, “chỉ học thuộc lòng” hoặc biết “dăm ba chữ” để trưng ra với tổ chức, lòe người mà học cũng như vận dụng phải luôn xuất phát từ thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Học Chủ nghĩa Mác-Lênin là “phải học tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”(3) và “học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”(4) chứ không phải và càng không nên coi đó là những công thức có sẵn để “học thuộc lòng” và áp nguyên vào thực tiễn cuộc sống.
Xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ xây dựng “kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương” theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII phù hợp với từng đối tượng, theo hướng cụ thể, thiết thực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ LLCT hằng năm đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, viết thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đề cao trách nhiệm chính trị, tính tự giác, chủ động gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ LLCT; học ở mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong học tập LLCT, nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời biểu dương những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu LLCT; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập LLCT. Căn cứ vào ý thức, trách nhiệm và kết quả học tập LLCT để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.
Nghiêm túc học tập LLCT, dùng lý luận đã thấm nhuần để phân tích những thắng lợi và thất bại trong mọi mặt công tác, những mặt đúng và sai trong tư tưởng, để không chỉ “bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra trong thực tiễn cách mạng của ta”(5) mà còn góp phần làm cho nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên đối với các vấn đề trong thực tiễn được nâng cao hơn và vì thế kết quả hành động chắc chắn thu được cũng sẽ tốt hơn.
TS VĂN THỊ THANH MAI