+
Aa
-
like
comment

Luật xưa, án cũ và công cuộc phòng chống tham nhũng nay

Khánh Đăng - 20/06/2022 16:30

Tham quan thời nào cũng có và tham nhũng vẫn luôn là mối họa lớn với dân, với nước. Ngay từ rất sớm, các vị quân vương nước Việt đã xác định tham nhũng là hành vi xâm hại trật tự pháp luật, đạo đức và sự tồn vong của chế độ, phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc. Nhận thức được nguy hiểm và hậu quả của tham nhũng, các vị vua đã chỉ đạo xây dựng các quy định nhằm xác định, xét xử và trừng trị tham nhũng theo quan điểm đó là một trọng tội.

Những ghi nhận đầu tiên về ngăn ngừa và trừng thị tham quan, ô lại bắt đầu xuất hiện dưới triều Lý (1009 – 1225). Trong đó, đối với việc thu thuế lụa, nếu “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước lụa bị phạt 100 trượng, “ăn” một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm. Năm 1042, vua Lý Thái Tông còn ban chiếu rằng: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm”. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì bị phạt 50 quan tiền, từ 10 quan đến 19 quan, bị phạt từ 60 đến 100 quan, của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ.

Đến triều Lê sơ, Lê Thánh Tông – một vị vua nổi tiếng anh minh, tài giỏi, đã ban hành Luật Hồng Đức. Trong 722 điều của bộ luật ấy, có trên 40 điều đề cập đến phòng và chống tham nhũng. Cụ thể: Về công tác nhân sự, Điều 1 quy định “các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ)”. Để chặn đứng nạn tham ô, tham nhũng, Điều 42 Luật Hồng Đức chỉ rõ: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức, từ 10 đến 19 quan, xử tội lưu, lao dịch khổ sai, từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử tử”. Không những thế, trong trường hợp quan lại địa phương lộng quyền sách nhiễu dân, Luật Hồng Đức ghi rằng: “Các quan địa phương sách nhiễu lương dân, mua bán rẻ, đòi biếu xén thì hạ chức hoặc bãi chức… và phải bồi thường gấp đôi trả dân”.

Luật Hồng Đức thời Lê Sơ (thế kỷ XV)

Bước sang thế kỷ XIX, bên cạnh những hạn chế do hoàn cảnh lịch sử quy định, nhà Nguyễn cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước. Nổi bật trong số ấy là quá trình xây dựng và thực thi Luật Gia Long (ban hành năm 1815). Trong số 400 điều của bộ luật này có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng và có những điều rất hà khắc. Điển hình nhất là các điều 31 và 111. Cụ thể: Ở Điều 31, Luật Gia Long quy định: quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Ở Điều 111 chỉ rõ hơn rằng: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”. Trong số các vua triều Nguyễn, Minh Mạng (1820 – 1840) nổi tiếng nhất về sự nghiêm khắc và kiên quyết trừng trị nạm tham nhũng. Về điều này, trong “Đại Nam thực lục” có chép: Năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát giác. Theo luật quy định thì tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây Diệm có một số công trạng nên Bộ Hình giảm xuống, bắt đi đày viễn xứ. Tuy nhiên, Minh Mạng không chấp nhận đề nghị của Bộ Hình, Vua ra lệnh chém đầu Diệm trước chợ Đông Ba, cho mọi người thấy mà khiếp hãi để sửa mình.

Từ những câu chuyện về luật xưa, án cũ trên để thấy, phòng chống tham nhũng là công cuộc trường kỳ, thường xuyên và liên tục. Bởi tham nhũng là một phạm trù lịch sử, là một phần không thể thiếu của các xã hội khi bước vào giai đoạn có giai cấp và nhà nước. Chúng là nguy cơ của mọi chế độ chính trị, khi quyền lực không chỉ là công cụ, mà còn là mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Để rồi chính quyền lực ấy đã tha hóa biết bao kẻ có dã tâm thực hiện những hành vi sai trái. Ngày nay, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, chú trọng, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Công cuộc này, thời gian qua, đã đạt được không ít thành tựu với nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh. Những cái tên như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, …hay những đại án như Vinashin, Vinalines và gần đây là vụ Việt Á đã chứng minh cho câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống tham nhũng: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Dẫu vậy công cuộc ấy cũng còn nhiều bất cập, hạn chế bộc lộ ngày một rõ hơn. Tình trạng một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, thể chế và chính sách quản lý kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở. Soi chiếu lại dòng lịch sử, mong lắm thay những người làm công tác nhân sự, công tác phòng chống tham nhũng nhìn thực trạng để lấy đó làm động lực thôi thúc, đòi hỏi phải làm tốt hơn và phải tiếp tục rà soát cơ chế để bịt những “kẽ hở”, xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia sao cho cán bộ “không muốn” và “không thể” tham nhũng, tiêu cực.

Ôn cố tri tân, những bài học hôm qua sẽ là hành động của chúng ta hôm nay. Như một chuyến đi ngược về quá khứ, nhìn lại vấn nạn này qua các triều đại trong lịch sử, những bài học kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng thời xưa vẫn còn nguyên giá trị thời sự, ý nghĩa thiết thực và gợi mở cho chúng ta suy ngẫm trong công tác phòng chống tham nhũng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ hiện nay.

Đăng Võ 

Bài mới
Đọc nhiều