+
Aa
-
like
comment

Luận điệu lạc lõng xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam

Bảo An - 09/12/2020 17:51

Chính sách quốc phòng Việt Nam khẳng định: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, lợi dụng một số vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là những căng thẳng trong tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển động, một số đối tượng đang hướng lái thông tin, tấn công chính sách quốc phòng của Việt Nam, đưa ra yêu sách đòi Việt Nam phải thây đổi chính sách “ba không”, “bốn không” trong quốc phòng.

Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược nhưng luôn mềm dẻo, linh hoạt trong việc vận dụng các sách lược quốc phòng

Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2021. Dự luật NDAA năm 2021 có tổng ngân sách 740 tỷ USD, gồm những khoản chi nhằm tăng lương cho binh sĩ và hiện đại hóa trang bị vũ khí, cũng như yêu cầu Lầu Năm Góc tiến hành các đánh giá tỉ mỉ hơn trước khi rút quân khỏi Đức và Afghanistan. Trong đó, quân đội Mỹ được cho là sẽ thực thi Chính sách răn đe tại Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) nhằm cảnh cáo – kiềm chế nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự, chi phối khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Ngay sau đó, một số yêu sách về quốc phòng đối với Việt Nam đã được các đối tượng tung ra trên mạng. Theo lập luận được các đối tượng đưa ra, chính sách “ba không” sẽ khiến lợi ích mà Việt Nam nhận được từ Chính sách răn đe tại Thái Bình Dương mà Mỹ bắt đầu thực hiện vào năm tới thông qua những NDAA… không đáng kể. Từ đó, các đối tượng này cho rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách quốc phòng, chấp nhận liên minh với quân đội nước ngoài, cho quân đội Mỹ đặt cứ điểm tại Việt Nam. Thậm chí, để bảo vệ cho lập luận của mình, các đối tượng còn lợi dụng những mẫu thuẫn trong tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, sử dụng chiêu bài tâm lý, cho rằng nếu Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự thì sẽ bị thất thế trước Trung Quốc và không thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Cái đích mà các đối tượng hướng đến là yêu cầu Việt Nam không hợp tác với Trung Quốc, tham gia vào liên minh quân sự với nước khác để đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông.

Một số luận điệu kêu gọi thay đổi chính sách quốc phòng

Cần phải hiểu rõ, chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược. Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã đúc kết ra bài học lớn là phải phát huy sức mạnh nội lực, tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ các sức mạnh của thời đại.

Sức mạnh quốc phòng của Việt Nam được hình thành, xây dựng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt đối với quân đội; Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thống nhất quản lý, điều hành.

Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình nhưng kiên quyết không thỏa hiệp, không chấp nhận với bất kỳ mối đe dọa nào xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chính sách quốc phòng của Việt Nam thống nhất với đường lối đối ngoại. Chúng ta kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược nhưng luôn mềm dẻo, linh hoạt trong việc vận dụng các sách lược. Việt Nam xây dựng nền quốc phòng chủ động, tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng như trên là để bảo đảm tuyệt đối sự chủ động, sẵn sàng, không lệ thuộc trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính sách quốc phòng của chúng ta hiện nay không phải là rào cản như luận điệu xuyên tạc mà các đối tượng đang đưa ra. Nó là nguyên tắc, điều kiện để chúng ta giữ vững sự chủ động trong bảo vệ Tổ quốc. Vì thực tế, nếu chúng ta lệ thuộc, phụ thuộc về quốc phòng chắc chắn sẽ kéo theo sự lệ thuộc về chính trị.

Việc các đối tượng đưa ra yêu sách đòi thay đổi chính sách quốc phòng, tiến hành liên minh quân sự, cho nước khác đặt căn cứ trên lãnh thổ Việt Nam không phải bắt nguồn từ mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam mà chẳng qua chỉ là một chiêu trò để đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, phụ thuộc vào quốc gia khác, từ đó thực hiện “diễn biến hòa bình”, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều