Lựa chọn nhân sự khóa XIII: “Không phải chỉ nhìn vào lý lịch, con cháu ai…”
“Lựa chọn nhân sự khoá XIII của Đảng, không phải chỉ nhìn vào lý lịch, con ai hoặc cháu ai mà phải nhìn vào quá trình công tác, sự trưởng thành qua quá trình công tác. Phải chọn những người rèn luyện, vươn lên từ quá trình công tác và được khẳng định qua quá trình công tác của họ”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ quan điểm.
Hơn 3 năm Nghị quyết toàn quốc lần thứ XII được thực hiện, đây là giai đoạn chuẩn bị công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng. Việc rà soát, chuẩn bị các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ quản lý đang được tiến hành với quyết tâm “ai chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát không dùng”, “tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì phải kỷ luật”.
Trao đổi với báo chí về quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII nhân Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh việc coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình cán bộ. Năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Nhân sự được quy hoạch cũng cần có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng khẳng định: Giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Không để lọt những người có một trong những hạn chế khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược: những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá; cơ hội chính trị; xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Đây cũng là nội dung mà ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc. Ông nói: “Lựa chọn công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng, không phải chỉ nhìn vào lý lịch, con ai hoặc cháu ai mà phải nhìn vào cả quá trình công tác, trưởng thành trong quá trình công tác. Lựa chọn người vào Trung ương, phải chọn những người rèn luyện, vươn lên từ quá trình công tác và được khẳng định qua quá trình công tác”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá: Công tác cán bộ “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, then chốt của then chốt”. Theo ông Lê Như Tiến, thời gian qua công tác cán bộ đã có rất nhiều điểm tốt nhưng cũng không khỏi có những bất cập, do vậy mới xảy ra việc một số cán bộ đã được lựa chọn vào Trung ương, vào những vị trí cao nhưng vẫn có những khiếm khuyết.
“Vì thế, công tác cán bộ phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Nếu chúng ta không lựa chọn thận trọng sẽ dẫn tới việc đưa những người không tốt vào những vị trí cao, khi đó họ sẽ làm mai một, làm hỏng công tác của Đảng.
Ví như, thời gian qua, đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đi làm công tác thanh tra nhưng lại vòi tiền, chung chi hàng tỷ đồng của doanh nghiệp. Như vậy là không được.
Phải làm trong sạch đội ngũ làm công tác cán bộ, làm trong sạch những người làm công tác bảo vệ pháp luật, làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật và làm trong sạch các cơ quan phòng chống tham nhũng. Phòng chống tham nhũng trước hết phải sạch thì mới phòng chống được tham nhũng”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Kiểm soát quyền lực cũng là một trong những khâu vô cùng quan trọng mà ông Lê Như Tiến đề cập tới.
“Khi “anh” có quyền lực thì anh thường hay lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Vì thế, phải có cơ quan khác kiểm soát quyền lực “anh”. Ví như trong hệ thống bảo vệ pháp luật, quá trình tố tụng phải có cơ quan kiểm tra, truy tố xét xử và thi hành án…
Do vậy, phải có cơ quan kiểm soát lẫn nhau tránh tình trạng lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì quyền lực sẽ bị dung túng”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.
Thực tế, thời gian qua có một số trường hợp đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do sai phạm trong quá trình công tác, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao. Đây là bài học lớn cho những cán bộ sai phạm, không xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, sự giao phó của nhân dân.
Dù vậy, ông Lê Như Tiến cho rằng, không phải Đảng ta chọn nhầm mà là trong quá trình đảng viên rèn luyện, phấn đấu họ chưa nỗ lực đầy đủ.
“Trước khi được lựa chọn những người này có thể là những đảng viên tốt nhưng trong quá trình công tác đã không rèn luyện, phấn đấu đầy đủ nên mới như vậy.
Ai cũng vậy, quá trình phấn đấu là rất gian khổ, từ lúc đầu đến lúc cuối. Nhưng có những người chỉ đi được nửa chặng đường vì không theo được, vì không phấn đấu được. Người ta sẽ tự diễn biến, tự chuyển hoá và đánh mất phẩm chất, sa ngã.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta đánh đồng tất cả. Cần phải nhìn nhận khách quan bởi số lượng đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng là chỉ một số ít”, ông Lê Như Tiến chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc.
(Theo Tổ Quốc)